Trắc trở đạo luật Obamacare
Thế giới - Ngày đăng : 06:49, 07/01/2017
Đạo luật Obamacare có thể bị xóa bỏ sau khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ. |
Chủ trương xóa bỏ Obamacare của phe Cộng hòa và Tổng thống đắc cử D.Trump là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong chiến dịch bầu cử vừa qua tại Mỹ. Bất chấp sự phản đối của đảng Dân chủ, ông chủ Nhà Trắng tương lai tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình xóa bỏ Obamacare ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 20-1 tới.
Obamacare được Tổng thống đương nhiệm Barack Obama ký ban hành năm 2010 và bắt đầu được áp dụng từng phần từ ngày 1-1-2014. Chương trình sẽ có hiệu lực toàn bộ trong vài năm tới. Đạo luật có mục đích nâng cao sức khỏe của người dân Mỹ bằng cách tạo điều kiện cho nhiều người không có bảo hiểm sức khỏe có thể mua được một bảo hiểm tối thiểu cho bản thân và gia đình cũng như tăng mức quyền lợi mà người có bảo hiểm đang được hưởng. Obamacare buộc các công ty bảo hiểm phải phục vụ tất cả mọi người muốn mua bảo hiểm tới tiêu chuẩn tối thiểu mới, bất chấp các bệnh có sẵn từ trước hoặc giới tính. Ngoài ra, đạo luật cải cách này nhằm mục đích giảm giá dịch vụ y tế và cải thiện hiệu quả khám chữa bệnh nhờ tăng thêm cạnh tranh, quy chế và ưu đãi thuế.
Suốt 6 năm, Obamacare vấp phải sự phản đối gay gắt của đảng Cộng hòa, trong đó bao gồm Tổng thống đắc cử D.Trump. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã thực hiện hơn 50 cuộc bỏ phiếu về chương trình chăm sóc sức khỏe này nhằm tìm cách xóa bỏ hoàn toàn hoặc sửa đổi một phần, với lý do Obamacare cho phép Chính phủ Mỹ can thiệp quá sâu vào thị trường bảo hiểm sức khỏe, lãng phí ngân sách và gây tổn hại cho tăng trưởng việc làm vì buộc nhiều doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho người lao động khi tuyển dụng. Cụ thể, phí bảo hiểm đã được dự kiến tăng lên vào năm 2017 với mức trung bình 22%. Nhiều công ty bảo hiểm đã bị thua lỗ bởi vì các khách hàng lớn tuổi và ốm đau nhiều hơn so với dự kiến. Khi đó, các công ty bảo hiểm lại chuyển chi phí này sang cho những người Mỹ khá giả.
Đảng Cộng hòa lập luận rằng, điều đó đại diện cho sự khởi đầu của thất bại thị trường khi phí bảo hiểm cao hơn sẽ ngăn cản những người Mỹ trẻ tuổi, khỏe mạnh tham gia bảo hiểm. Như thế có nghĩa là các công ty bảo hiểm sẽ phải chịu thua lỗ nhiều hơn nữa và cứ như vậy cho đến khi hệ thống sụp đổ. Quan trọng hơn, đạo luật làm ảnh hưởng đến túi tiền của thiểu số những người dân có lợi tức cao, nhất là các nhà tư bản khi họ phải đóng thêm thuế để tài trợ cho số đông những người dân có lợi tức thấp để mua được bảo hiểm sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng đạo luật của Tổng thống B.Obama có quá nhiều kẽ hở và nếu như cứ tiếp tục thì sẽ có hàng loạt người lợi dụng để có được bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật Mỹ và khiến cho ngân sách nhà nước thất thu. Trước tình hình trên, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã thống nhất mở cuộc tranh luận để quyết định xem có nên loại bỏ Bộ luật Obamacare hay không.
Tuy nhiên, việc hủy bỏ hoàn toàn Obamacare sẽ mất nhiều thời gian và đảng Cộng hòa cũng sẽ gặp khó khăn trong xây dựng một chương trình chăm sóc y tế mới thay thế, điều mà chính đảng Con voi thừa nhận có thể phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Trong khi đó, dù chỉ chiếm thiểu số ở cả hai viện của Quốc hội, nhưng đảng Dân chủ cũng tuyên bố sẽ chống lại việc hủy bỏ đạo luật Obamacare đến cùng và đã lên kế hoạch tìm kiếm sự ủng hộ. Trong những ngày cuối cùng trên cương vị tổng thống, ông B.Obama đã thực hiện một chuyến đi đến Đồi Capitol để thúc giục các nhà lập pháp Dân chủ tìm ra những biện pháp giúp ông bảo vệ đạo luật y tế này.
Obamacare là một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống B.Obama và cũng là một trong những chương trình cải cách "mạnh tay" nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ. Thế nên, các chuyên gia y tế và giới quan sát cảnh báo, với việc hơn 20 triệu người Mỹ đang được bảo hiểm y tế giá rẻ nhờ Obamacare, việc hủy bỏ chương trình này sẽ dẫn tới việc các công ty bảo hiểm rút khỏi thị trường và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội rất lớn.