Bài 4: Không thể giữ mãi lối sống, suy nghĩ ích kỷ

Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 07/01/2017

(HNM) - Xây dựng và vận dụng linh hoạt các bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, địa phương khi thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020



TS Lưu Minh Trị, Chủ tịchHội Di sản văn hóa Thăng Long:Cụ thể hóa tiêu chí sẽ dễ thực hiện nếp sống thanh lịch

Trên thực tế, chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được TP Hà Nội và các sở, ngành, các địa phương thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, nội dung của chương trình còn khá chung chung, nên không phải ai cũng hiểu và thực hiện. Trong dự thảo các QTƯX, lối sống, nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được lượng hóa, cụ thể hóa thành những tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với truyền thống văn hóa của người Hà Nội, nên tôi tin vào tính khả thi của các bộ quy tắc. Để các bộ QTƯX thực sự đi vào đời sống, trước hết hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở nên triển khai đồng bộ, ráo riết, quyết liệt đến mọi tầng lớp nhân dân. Cán bộ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần là những người tiên phong, gương mẫu thực hiện, làm gương cho quần chúng noi theo.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội:Thường xuyên nhắc nhở, rút kinh nghiệm

Dự thảo về QTƯX cho cán bộ, công chức, người lao động lần này đã cơ bản hoàn thiện với những chuẩn mực cụ thể về trang phục, tác phong, ứng xử..., bảo đảm tính khả thi tại các đơn vị. Tuy nhiên, để các QTƯX đi vào cuộc sống, có ý nghĩa xây dựng môi trường sống, môi trường làm việc văn hóa và tác động tới chính bản thân mỗi cá nhân, thì dựa trên những chuẩn mực chung, tùy theo điều kiện thực tế về địa bàn, về tập quán, về con người..., mỗi cơ quan, đơn vị nên xây dựng những quy định riêng cho phù hợp. Điều quan trọng là cách thức triển khai để sao cho những quy tắc này được điều chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời. Các cơ quan, nhà trường cần có hòm thư góp ý, đường dây nóng để tiếp nhận những phản hồi từ người dân, phụ huynh; đồng thời ghi nhận được mức độ hài lòng của họ về chất lượng, hiệu quả áp dụng bộ quy tắc. Các đơn vị cần thường xuyên nhắc nhở, rút kinh nghiệm để cán bộ, công chức, người lao động điều chỉnh kịp thời trong nhận thức, hành vi, chứ không phải đợi đến cuối năm mới đưa ra bình xét thi đua.

TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long:Lấy quy tắc ứng xử làm thước đo chuẩn mực

Từ xưa đến nay, các cộng đồng dân cư ít người, người dân vẫn xây dựng hương ước, quy ước để điều chỉnh các mối quan hệ cộng đồng. Thủ đô Hà Nội là một cộng đồng lớn, gồm hàng triệu con người với những mối quan hệ đa dạng, phức tạp, chằng chịt, rất cần có các QTƯX làm thước đo chuẩn mực để người dân căn cứ vào đó mà thực hiện, làm theo. Nhưng, làm thế nào để các bộ quy tắc có thể áp dụng cho mọi đối tượng, từ công nhân, nông dân, tiểu thương tới cán bộ, công chức, cho người sống ở Hà Nội lâu năm cũng như người mới đến, cho người Việt Nam cũng như người nước ngoài lưu trú, quả thực là một việc quá khó. Tuy nhiên, tất cả những quy định phù hợp với truyền thống Việt Nam và thông lệ quốc tế đều có thể thực hiện vì chúng ta đã hội nhập, không thể giữ mãi lối sống, suy nghĩ ích kỷ cá nhân. Tôi mong, mỗi người dân Thủ đô hãy ủng hộ và đồng lòng cùng với thành phố xây dựng văn hóa, con người Hà Nội văn minh, hiện đại trên nền tảng của văn hóa truyền thống.

Ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên:Nên có độ "mở" nhất định

Nội dung các QTƯX được xây dựng trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, góp ý nhiều lần của các chuyên gia, cơ quan quản lý, cộng đồng dân cư. Trong quá trình thực hiện, các QTƯX có thể bộc lộ những điểm không phù hợp, nhưng phải thực hiện mới có thể phát hiện. Vì thế, tôi mong các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện các QTƯX, sai đâu sửa đó, thiếu sót đâu bổ sung đó. Tôi chỉ xin lưu ý, các quy tắc đưa ra không nên quá cụ thể, chi tiết vì mỗi vùng, miền, địa phương lại có đặc trưng văn hóa khác nhau; các ngành, nghề khác nhau cần cách thức ứng xử, giao tiếp khác nhau. Các QTƯX nên có độ “mở” nhất định để đối tượng triển khai tự hoàn thiện, bổ sung cho phù hợp với tính đặc thù của từng nhóm đối tượng.

NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội:Tránh "đầu voi, đuôi chuột"

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiểu rõ cái nếp của người Hà Nội, giản dị thôi, nhưng lịch lãm... Song, thời gian gần đây, trong xu thế hội nhập, người từ bốn phương đến sinh sống, học tập, làm việc ngày càng đông, không khỏi có sự khác biệt về ứng xử, có thái độ, hành vi làm mất đi vẻ đẹp của Hà Nội. Tôi nghĩ rằng, dù là người ở đâu thì khi bước đi trên đất nghìn năm văn hiến cần phải theo nếp ở đây. Vì vậy, thành phố đưa ra Bộ QTƯX nơi công cộng là rất cần thiết và kịp thời. Điều tôi lo ngại là vấn đề điều hành, thực hiện thế nào, đừng để "đầu voi, đuôi chuột".

(Còn nữa)

Nhóm Phóng viên