”Mở cửa” Nhà hát Lớn hà nội: Nâng tầm chất lượng nghệ thuật
Văn hóa - Ngày đăng : 07:02, 08/01/2017
Một cảnh trong vở kịch Vua Thánh Triều Lê được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Giang Nam |
Không chỉ sàng lọc và tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật được biểu diễn ở “thánh đường nghệ thuật” sang trọng bậc nhất cả nước, chủ trương này còn hướng tới mục tiêu quan trọng, lâu dài hơn là nâng dần chất lượng nghệ thuật nước nhà.
Bầu không khí mới trong nghệ thuật biểu diễn
Trong 4 tháng đầu triển khai, qua 14 chương trình đã diễn, có thể nhận thấy, hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều “tung” ra những tác phẩm tốt nhất của đơn vị tới khán giả của Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhiều chương trình, tác phẩm đã đoạt huy chương vàng, bạc trong các kỳ liên hoan, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp. Chẳng hạn như kịch “Công lý không gục ngã” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Vũ điệu hoa quỳnh” (Nhà hát Múa rối Việt Nam), “Vua Thánh triều Lê” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Hương sắc Việt Nam” (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), “Các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực” (Nhà hát Chèo Việt Nam)…
Trước đây, ngoài Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, thì các đơn vị nghệ thuật khác, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống ít có cơ hội biểu diễn tại không gian nghệ thuật này. Vì thế, chủ trương “mở cửa” Nhà hát Lớn ngay lập tức được nhiều đơn vị nghệ thuật ủng hộ. “Nhà hát đã chọn những nghệ sĩ biểu diễn tốt nhất ở các đoàn, tập luyện hăng say để đạt sự hoàn hảo cho chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Đây cũng là cách để chúng tôi “khoe” nghề và cho khán giả thấy nghệ thuật truyền thống hấp dẫn thế nào” - NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam bày tỏ.
Chỉ diễn sau mấy ngày so với Nhà hát ballet danh tiếng của Nga Talarium Et Lux và cùng vở ballet “Kẹp hạt dẻ”, nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam không hề bị lép vế trong đêm 9-12-2016 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tác phẩm đã một vài lần trình diễn ở ngay chính không gian này, song theo nhận định của chính các nghệ sĩ biểu diễn, chưa bao giờ có được đông đảo khán giả đến thế, mà đa phần là người Việt.
“Mở cửa” Nhà hát Lớn cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng là quá trình sàng lọc những chương trình, tác phẩm chất lượng. Nếu như trước đây, muốn biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chỉ cần được cấp phép chương trình và trang trải đủ chi phí thuê rạp, thì nay mọi chương trình đều phải qua Hội đồng nghệ thuật xét duyệt, đạt chất lượng mới được bước vào “thánh đường nghệ thuật” này. Nghệ sĩ violon Trương Nhật Hoàng chia sẻ: “Khi biết được yêu cầu khắt khe về chất lượng chương trình tôi đã rất lo lắng. Ê kíp thực hiện liveshow “Hừng đông” phải tập trung sáng tạo, dàn dựng chương trình hoàn hảo nhất để có thể biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội”.
Cần chiến lược lâu dài
Khán giả nhiệt tình đón nhận các chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. |
Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) đã đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong năm 2016, ngoài ghi nhận tín hiệu đáng mừng, vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, công tác phối hợp giữa các đơn vị nghệ thuật và Nhà hát Lớn Hà Nội còn lúng túng thời gian đầu, nhất là khâu quảng bá; nhiều chương trình đã được lên kế hoạch, nhưng các đơn vị vẫn thay đổi; đợt biểu diễn vừa qua cũng chưa bố trí vào được nhiều ngày “vàng” trong tuần (chỉ có 5 buổi diễn vào thứ bảy, chủ nhật), nên đôi khi không kín chỗ…
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho rằng: “Khâu truyền thông còn yếu và bị động, phó mặc hết cho Nhà hát Lớn, trong khi họ lại chưa chuyên nghiệp. Lịch biểu diễn nên tính toán để hướng đến nhu cầu của khán giả, như dịp Tết thì diễn nghệ thuật truyền thống, dịp 30-4 nên chuẩn bị chương trình về cách mạng… Hiện tại, các đơn vị nghệ thuật tự chọn thời điểm diễn và đề xuất, khán giả chưa phải là trung tâm”. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Ngô Thanh Thủy đề xuất: Nhà hát Lớn nên trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, giúp các nhà hát tiết kiệm thời gian, công sức, tránh phải tự mang thiết bị đến lắp đặt...
Một trong những khán giả lâu năm của sân khấu, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (56 tuổi ở Phú Thượng, Tây Hồ) nhận xét: “Xem lịch biểu diễn, tôi thấy nhiều tác phẩm mình đã xem rồi”. Có vẻ, các chương trình biểu diễn vừa qua mới chỉ lôi kéo được khán giả mới. Bộ VH-TT&DL cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tích cực đặt hàng các đơn vị nghệ thuật sáng tạo những chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, kết hợp sáng tạo tác phẩm giữa các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ với các đơn vị nghệ thuật quân đội, công an, hay tư nhân; đồng thời, khuyến khích các đơn vị, tổ chức xây dựng nhiều chương trình phù hợp, chất lượng đưa vào Nhà hát Lớn.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, mùa diễn 2017 cần phải tháo gỡ và khắc phục những hạn chế trong thời gian qua. Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng lịch diễn cụ thể đến hết năm 2017. Sau khi được phê duyệt, lịch diễn và thông tin về các tác phẩm, chương trình sẽ đưa lên trang web chính thức của Nhà hát Lớn cũng như phương tiện truyền thông, khán giả có thể truy cập, đặt vé chương trình mình thích trước thời điểm diễn nhiều tháng.
Số lượng các tác phẩm chất lượng cao dự định biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong năm 2017 sẽ không chỉ của các đơn vị nghệ thuật trung ương mà có nhiều đơn vị nghệ thuật địa phương. Trong đó có sự ưu tiên cho các loại hình nghệ thuật truyền thống. Mục tiêu của Bộ VH-TT&DL thời gian tới là, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ trở thành không gian văn hóa sang trọng, lịch lãm để giới thiệu tới công chúng, du khách quốc tế những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nhất của Việt Nam.
Rõ ràng, thực hiện hiệu quả, có chiến lược chủ trương đúng đắn này sẽ nâng dần nền nghệ thuật biểu diễn. Mặt khác, khi các nghệ sĩ được cổ vũ sáng tạo, cùng cạnh tranh lành mạnh để được biểu diễn trong “thánh đường nghệ thuật” và khán giả được thụ hưởng những tác phẩm chất lượng cao thường xuyên, thì những sản phẩm hời hợt, thiên về “nhìn” đang lấn át đời sống trong thời gian qua sẽ bị đẩy lùi.