Bài cuối: Các quy tắc sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống

Đời sống - Ngày đăng : 07:57, 08/01/2017

(HNM) - Việc Hà Nội chuẩn bị ban hành Bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ) Thủ đô và QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố được đông đảo cán bộ, nhân dân ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng 2 bộ quy tắc sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống, khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp để Thủ đô càng thêm văn minh, thanh lịch.

Nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông chính là thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử nơi công cộng. Ảnh: Khánh Huy


Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ngọc Lâm (Long Biên):
Giám sát chặt chẽ việc thực hiện sau khi ban hành

Hai bộ QTƯX được ban hành, chắc chắn sẽ góp phần tôn thêm phẩm chất thanh lịch của văn hóa Tràng An, xây dựng văn hóa người Hà Nội thời kỳ hội nhập, tạo nên một Hà Nội thật riêng trong cái chung của cả nước. Đây cũng là cơ sở để thành phố thực hiện hiệu quả “Năm kỷ cương hành chính 2017” thể hiện qua việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ CB, CC, VC. Thực hiện các bộ QTƯX cũng chính là góp phần xây dựng xã hội văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, mọi người tự nguyện, tự giác thực hiện các quy tắc chung được ban hành.

Chúng tôi mong muốn thành phố sớm ban hành hai bộ QTƯX. MTTQ phường Ngọc Lâm sẽ cùng với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền để mỗi người dân trên địa bàn phường hiểu và tự giác thực hiện. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của CB, CC, VC, NLĐ.

Chị Nguyễn Thị Lan (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm):
Dễ đi vào cuộc sống

Gia đình tôi nhiều đời sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, trong ký ức của tôi và qua lời kể, nếp sống của ông bà, bố mẹ, tôi luôn “thấm” chất văn hóa của người Hà Nội xưa. Thời đó, phố xá rộng rãi, không có nhiều nhà cao tầng, người cả phố hầu hết đều quen biết nhau, tình láng giềng rất sâu đậm. Đặc biệt, nết ăn, nết ở của người Hà Nội xưa rất đẹp. Vợ chồng trong nhà đối xử với nhau nhẹ nhàng, có trên, có dưới.

Con cái trong gia đình luôn lễ phép, thảo hiền. Bất luận hoàn cảnh gia đình, hễ ra khỏi cửa nhà, ai nấy đều đầu tóc gọn gàng, trang phục chỉn chu, tươm tất. Gặp người quen phải biết cúi đầu chào, lỡ làm việc gì sai phải khoanh tay xin lỗi… Gần đây, dư luận xã hội trăn trở trước tình trạng “lệch” phông văn hóa của một bộ phận người dân, nhất là những người trẻ. Ngoài đường xuất hiện hình ảnh nữ tú ăn mặc hở hang, thanh niên xăm trổ, tóc tai nhuộm xanh, nhuộm đỏ, phóng xe ào ào bạt mạng, nói năng cộc lốc, văng tục, chửi bậy.

Một va chạm nhỏ khi tham gia giao thông, một cái nhìn không “ưng mắt”, một câu nói “đểu”… cũng có thể dẫn đến cãi cọ, xô xát... Nơi công cộng như nhà ga, bến xe, trụ sở cơ quan, bệnh viện… còn tình trạng hút thuốc, nói năng ồn ã, xả rác bừa bãi dù đã có biển “Đi nhẹ, nói khẽ”, “Cấm hút thuốc lá”, “Cấm đổ rác”… Trong bối cảnh đó, việc ban hành Bộ QTƯX nơi công cộng và QTƯX trong các cơ quan nhà nước là vô cùng cần thiết. Đọc dự thảo Bộ QTƯX nơi công cộng, tôi thấy rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế cuộc sống. Những gì nên, không nên làm đều được chỉ rõ để người dân biết và thực hiện theo.

Anh Nguyễn Trung Hiểu (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng):
Không còn lý do để ngụy biện

Những quy định trong QTƯX của CB, CC, VC với người dân như niềm nở, lịch sự, nghiêm túc, tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, biết nhận lỗi… đều chạm đến điều mong muốn của nhiều người dân. Mỗi khi có việc đến các cơ quan hành chính, nếu được đón tiếp niềm nở, hướng dẫn chu đáo, giải quyết đúng thủ tục, thời gian… hẳn sẽ giảm phàn nàn về tác phong công chức, công quyền. Thêm việc kiên nhẫn, lắng nghe, thấu hiểu nữa lẽ nào người dân không hài lòng.

Đôi khi có những việc nhỏ, nhưng vì thái độ giao tiếp ứng xử mà thành to chuyện... Tuy nhiên, hiện lời xin lỗi từ những việc làm sai vẫn còn ít, nhiều trường hợp còn cố tình tìm cách ngụy biện cho việc làm sai của mình để đẩy trách nhiệm từ nơi này đến nơi khác. Bộ QTƯX trong các cơ quan nhà nước đã chỉ rõ khái niệm cũng như cách thực hiện tác phong giao tiếp ứng xử chuẩn mực và có văn hóa ra sao để CB, CC, VC không còn lý do để ngụy biện. Quan trọng hơn, đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng đối với CB, CC, VC, NLĐ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, tình nguyện viên Chương trình Inner Space Hà Nội (Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam):
Lan tỏa những việc làm tốt

Đọc dự thảo QTƯX của CB, CC, VC, NLĐ Thủ đô và QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố, tôi thấy cả hai đều hướng tới mục đích xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến… Nội dung các bộ QTƯX đều nêu cụ thể những việc nên làm và không nên làm để mọi người dễ dàng áp dụng vào cuộc sống và nơi làm việc. Những việc được khuyến cáo nên làm như tôn trọng pháp luật, quan tâm giúp đỡ người khuyết tật, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, ngăn nắp, gọn gàng, khiêm tốn… đều tốt.

Ngược lại khuyến cáo, yêu cầu không làm những việc không tốt như xả rác thải, gây mất trật tự, chèo kéo khách du lịch, sách nhiễu người dân, thiếu kiềm chế… Khi đã có nhận thức đúng đắn về vấn đề, sự việc, cần chuyển hóa thành hành động, để từ mỗi việc tốt của cá nhân được lan truyền, nhân lên rộng hơn, mạnh hơn. Khi nhiều người cùng làm việc tốt và việc tốt xuất hiện khắp mọi nơi là lúc những nội dung trong hai bộ QTƯX trở thành văn hóa ứng xử tự nhiên của mỗi người.

Nhóm phóng viên Ban Bạn đọc