Nỗi lo an ninh trên toàn thế giới

Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 10/01/2017

(HNM) - Ít nhất 9 người thiệt mạng và 10 người bị thương khi một kẻ đánh bom liều chết điều khiển chiếc xe chở rác chất đầy thuốc nổ lao vào một trạm kiểm soát an ninh của Ai Cập ở TP El-Arish, thuộc bán đảo Sinai, ngày 9-1.


Trước đó một ngày, một chiếc xe tải khác đã lao thẳng vào nhóm binh sĩ Israel tại Jerusalem khiến 4 người thiệt mạng và 15 người bị thương. Hai vụ tấn công mới nhất nói trên đã phần nào cho thấy bức tranh an ninh u ám của thế giới ngay trong những ngày đầu năm mới 2017.

Vụ xả súng tại Sân bay quốc tế Fort Lauderdale (bang Florida, Mỹ) khiến nhiều người hoảng loạn.



Kể từ sau vụ xả súng tại hộp đêm ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngay trong đêm Giao thừa, các hành động khủng bố đã liên tiếp diễn ra làm rung chuyển nhiều khu vực của thế giới. Tại Trung Đông, một chiếc xe chở bom phát nổ tại khu chợ thuộc quận Jamila, phía Tây thủ đô Baghdad (Iraq) hôm 8-1 làm 13 người chết và 50 người bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng tuyên bố nhận trách nhiệm về hành động bạo lực tại khu vực sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo dòng Shiite này. Trong khi nước Pháp lặng lẽ kỷ niệm 2 năm xảy ra vụ nổ súng tại tòa báo Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng, một cựu thành viên Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ đã lạnh lùng rút súng bắn chết 5 người và làm 8 người khác bị thương tại Sân bay quốc tế Fort Lauderdale ở bang Florida. Cho dù kẻ tấn công đã tự nộp mình cho cảnh sát nhưng nhà chức trách Mỹ không loại trừ đây là một âm mưu khủng bố.

Ngay tại Châu Á, mối đe dọa khủng bố vẫn luôn thường trực. Trong những ngày cuối cùng của năm 2016, Malaysia, Singapore, Indonesia liên tục phá vỡ nhiều âm mưu tấn công có tổ chức, trong đó có cả những kế hoạch đánh bom có dính dáng tới IS, mà điển hình là việc Indonesia tiêu diệt các phần tử thuộc tổ chức Jamaah Ansharut Daulah (JAD). Trong suốt thời gian qua, những vụ khủng bố gây sát thương đã mang đến bầu không khí lo sợ khắp thế giới. Các hành động bạo lực gia tăng được cho là có phần bắt nguồn từ việc IS liên tiếp thất thế tại các đại bản doanh của chúng ở Iraq và Syria.

Thực tế đó khiến những tay súng của tổ chức này chuyển hướng mở các cuộc tấn công vào bất kỳ nơi nào có thể, nhằm gây bất ổn, kích thích làn sóng cực đoan để chiêu mộ thêm chiến binh. Trước hết, chúng nhắm tới những quốc gia tham gia hoạt động chống lại IS mà điển hình là Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ... Trong bối cảnh các nước nói trên tăng cường đáng kể về an ninh, nguy cơ IS và các lực lượng khủng bố mở rộng địa bàn hoạt động sang Châu Á, Châu Phi cũng là điều đáng lo ngại. Cùng với đó, hình thức tiến hành các vụ tấn công cũng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Từ xả súng, nổ bom, những kẻ khủng bố đang tiến tới những phương thức "phi truyền thống" như dùng xe tải, hay thậm chí là huấn luyện trẻ em tiến hành các vụ tấn công. Mặt khác, vấn nạn “sói cô đơn” tiếp tục là mối đe dọa thường trực đối với mỗi quốc gia.

Trong khi những biến động về chính trị, kinh tế tiếp tục diễn ra trên thế giới, làn sóng khủng bố ngay trong đầu năm 2017 đã cho thấy an ninh sẽ là mối quan ngại đặc biệt của nhân loại. Mới đây, thủ lĩnh IS thậm chí đã đưa ra tuyên bố sẽ mở rộng mạng lưới tấn công thánh chiến trong năm 2017. Tuy nhiên, có thể vì nguy cơ này thế giới sẽ chứng kiến xu thế hợp tác về an ninh nhiều hơn giữa các quốc gia. Thậm chí, nhiều nhận định cho rằng sự e ngại khủng bố và nguy cơ chiến tranh sẽ khiến các nước ưa chuộng hòa bình sát cánh bên nhau vì sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực cũng như toàn thế giới. Điều đó cùng với những kỳ vọng về sự thay đổi tích cực trong quan hệ giữa các nước lớn phần nào cho thấy cuộc chiến chống khủng bố dù còn nhiều cam go nhưng sẽ có những thay đổi đáng kể và theo chiều hướng tích cực hơn trong năm 2017.

Hoàng Linh