Một giải đấu, nhiều lời giải

Thể thao - Ngày đăng : 06:54, 11/01/2017

(HNM) - Dù chỉ là giải đấu do một doanh nghiệp đam mê bóng bàn tổ chức nhưng Giải Bóng bàn đỉnh cao Việt Nam 2017 lại là dịp khẳng định sự phát triển cũng như sức hút của một môn thể thao từng có lúc bị đặt dấu hỏi về định hướng phát triển.

Nhà vô địch đơn nam Đông Nam Á 2016 Nguyễn Anh Tú sẽ dự giải. Ảnh: TL



Trong năm 2016, có tới 4 giải đấu bóng bàn lớn tại Hà Nội do các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức cho cả VĐV phong trào và chuyên nghiệp. Ở Vĩnh Long, Hải Dương cũng có sân chơi tương tự khiến người hâm mộ vui mừng, tin tưởng về sự quan tâm của doanh nghiệp với môn thể thao này. Như thế, các tay vợt chuyên nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội được cọ xát đều đặn để giữ cảm giác thi đấu.

HLV trưởng đội tuyển bóng bàn quốc gia, đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn bóng bàn Hà Nội Nguyễn Nam Hải cho rằng, các tay vợt Việt Nam càng được cọ xát nhiều với nhau càng nâng cao chuyên môn. Sẽ lý tưởng hơn nếu các tay vợt Việt Nam có điều kiện cọ xát với những tay vợt nước ngoài có trình độ cao hơn thông qua các chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế. Nhưng trong điều kiện hiện tại, được thi đấu cũng rất tốt cho các tay vợt chuyên nghiệp Việt Nam. Còn mức độ căng thẳng, quyết liệt ở các giải đấu cao đến đâu, khiến các tay vợt phải tập trung trí óc, thể lực cao đôi khi còn phụ thuộc nhiều điều kiện khác, trong đó có cả giải thưởng.

Trần Tuấn Quỳnh - tay vợt từng tham dự nhiều giải đấu trong nước và quốc tế - cũng thừa nhận rằng, thi đấu ở những giải có giải thưởng lớn cũng sẽ khiến VĐV phải tập trung nhiều hơn để giành chiến thắng. Về điều kiện này, giải bóng bàn đỉnh cao đã đáp ứng được khi nhà vô địch Lê Tiến Đạt (Quân đội) nhận giải nhất tới 60 triệu đồng, Nguyễn Đức Tuân (Hải Dương) xếp nhì cũng nhận được mức 40 triệu đồng, còn người xếp ba là Nguyễn Anh Tú (Hà Nội) được nhận 20 triệu đồng. Đây là mức thưởng lớn nhất trong các giải bóng bàn chính quy ở Việt Nam từ trước đến nay. Trưởng ban Tổ chức Giải Bóng bàn đỉnh cao Việt Nam 2017 Đinh Quang Linh chia sẻ: "Nguồn lực xã hội hóa để tạo ra sân chơi cho các tay vợt Việt Nam, nhất là các tay vợt chuyên nghiệp khá nhiều. Như ở giải đấu này, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Nội Bài đã chủ động đưa ra mức giải thưởng lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm cả chi phí ăn ở, di chuyển để tiếp thêm động lực cho VĐV”. 16 tay vợt mạnh nhất cả nước đã dự giải để cùng tạo nên những trận bóng kịch tính hiếm thấy.

Giải đấu này cũng là trải nghiệm cho các nhà quản lý khi họ đang muốn thay đổi thể thức tổ chức giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc toàn quốc. Cho đến năm 2016, giải vẫn giữ nguyên thể thức thi đấu vòng tròn, nhưng thường thì chưa hết giải đấu đã xác định được ngôi vô địch. Như ở giải 2016, cả Nguyễn Anh Tú và Nguyễn Thị Nga đều chắc ngôi vô địch trước 2 lượt đấu cuối. Vì thế, càng về cuối, các cuộc đấu càng dễ gây nhàm chán. Do đó, việc Ban tổ chức Giải Bóng bàn đỉnh cao Việt Nam đặt ra các bảng đấu ở vòng loại để rồi ngôi vị được xác định thông qua các trận bán kết, chung kết, tranh giải ba đã được chính ông Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn bóng bàn - Tổng cục TDTT) đánh giá cao và thêm quyết tâm để cải tiến thể thức thi đấu nhằm tăng sức hấp dẫn cho giải đấu. Thế nên, một giải đấu xã hội hóa đã mang lại nhiều lời giải cho bóng bàn Việt Nam nhằm đáp ứng kỳ vọng cũng như nhu cầu thưởng thức ngày càng cao hơn của người hâm mộ.

Minh An