Cuộc chiến không tiếng súng
Thế giới - Ngày đăng : 06:13, 11/01/2017
Phát biểu với báo giới ngày 9-1 tại thủ đô Berlin (Đức), Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định, giới chức nước này đang nhìn nhận một cách nghiêm túc về các mối đe dọa can thiệp chính sách quốc nội của đất nước, bao gồm cả thông qua không gian mạng. Cùng thời điểm này, nhà chức trách Litva tuyên bố hủy bỏ kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất thuộc sở hữu tư nhân xuất phát từ những lo ngại bị tấn công mạng.
Cuộc chiến an ninh mạng tiếp diễn ngày càng phức tạp và tinh vi. |
Tình hình càng thêm nghiêm trọng sau những cáo buộc gần đây của Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11-2016. Cụ thể, cơ quan Tình báo quân đội (GRU) của Nga đã sử dụng các công cụ trung gian như trang mạng WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để phát tán các bức thư điện tử thu thập được từ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC), cũng như từ các chính khách Dân chủ hàng đầu khác. Trước đó, tháng 4-2012, đã xảy ra hàng loạt cuộc tấn công mạng giữa các nhóm tin tặc Trung Quốc và Phillippnes, khiến hàng loạt trang web bị tê liệt và ngừng hoạt động. Một số nhóm tin tặc như Anonymous, Luzlsec hay CyberWarrios Team liên tục thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ gây tê liệt, ngưng trệ hoạt động nhằm vào hệ thống thông tin của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới như Mỹ, Liên minh Châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các cuộc tấn công và thu thập thông tin tình báo cũng liên tục diễn ra. Hồi tháng 7-2011, Lầu Năm Góc đã bị tấn công mạng với quy mô lớn khiến 24.000 tài liệu mật của Chính phủ bị đánh cắp. Tháng 5-2013, Mỹ cáo buộc Trung Quốc "ăn trộm" các bản thiết kế của hơn 20 loại vũ khí hiện đại của nước này.
Thực tế, việc sử dụng internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có bóng dáng của yếu tố công nghệ cao. Những năm gần đây, hàng loạt chính phủ, tổ chức cùng tập đoàn kinh tế bị tấn công và chiếm đoạt tài liệu mật về chính sách ngoại giao, quân sự, sở hữu trí tuệ, quy trình sản xuất hay kế hoạch kinh doanh. Vì vậy, thuật ngữ "chiến tranh mạng" ra đời, thường xuyên được các phương tiện truyền thông sử dụng để ám chỉ hình thức cao nhất trong các loại hình xung đột mạng, khốc liệt hơn tội phạm mạng và chủ nghĩa khủng bố trên mạng.
Tổng thống Barack Obama, ngay khi trở thành ông chủ Nhà Trắng năm 2009, đã nỗ lực để báo động nguy cơ tấn công mạng và xây dựng Bộ chỉ huy mạng Mỹ. Theo dự đoán của tình báo Mỹ, các cuộc tấn công mạng trong tương lai có thể được phát động để phá hủy các hệ thống máy tính quân sự và tài chính của Mỹ. Nhiều chuyên gia an ninh còn dự báo về sự gia tăng mạnh những cuộc tấn công xâm nhập máy tính, mã hóa dữ liệu và đòi một khoản tiền chuộc để giải mã.
Có thể nói, tấn công mạng đang trở thành mối đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. Cuộc chiến trên không gian ảo trở nên "độc nhất" bởi không có giới hạn về địa lý, thời gian và có thể thực hiện trên diện rộng, không trực tiếp đổ máu nhưng có thể gây hậu quả chết người. Không phải quốc gia nào cũng có đủ năng lực để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công. Thế nên, sự hợp tác giữa các quốc gia là vô cùng cần thiết để đối phó với cuộc chiến không tiếng súng này.
Cybersecurity Ventures dự đoán tới năm 2021, các vụ phạm pháp mạng sẽ khiến thế giới thiệt hại tới hơn 6 nghìn tỷ USD mỗi năm thay vì chỉ khoảng 3 nghìn tỷ USD như trong năm 2015. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) và Hãng bảo mật McAfee đã chỉ ra rằng, chi phí phòng chống và xử lý các loại hình tội phạm mạng hiện đang chiếm tới 0,8% GDP toàn cầu, chỉ thấp hơn so với chi phí phòng chống tội phạm ma túy của tất cả các quốc gia trên thế giới cộng lại (vào khoảng 0,9% GDP toàn cầu). Hoàng Linh |