Sẻ chia và lan tỏa yêu thương!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:08, 11/01/2017
Câu chuyện “cũ người mới ta”
Đường Nguyễn Chí Thanh là một trong những con đường hội tụ nhiều cung bậc đặc trưng của giao thông Hà Nội, từ đông đúc kẹt xe đến ồn ào, huyên náo. Cuốn theo bầu không khí khẩn trương, vội vã ấy, nhiều người tham gia giao thông vẫn kịp nhận ra, ven “con đường đẹp nhất Việt Nam” này một sự lạ, ít có. Đó là tủ đồ miễn phí cho người nghèo cùng tấm băng rôn mang dòng chữ: “Ai thừa đến ủng hộ. Ai thiếu đến lấy” ở số nhà 97 xuất hiện đã nhiều ngày qua. Ở đó, gần như lúc nào cũng có những người lao động nghèo, tranh thủ đôi chút thời gian để lựa ra món đồ đang cần hay là điểm đến của nhiều người có lòng, dù bận bịu vẫn tạt qua gửi lại ủng hộ đôi, ba món đồ còn lành lặn, ấm áp… Cứ thế, tủ đồ từ thiện này vơi rồi lại đầy!
Tủ quần áo từ thiện ở 97 Nguyễn Chí Thanh. |
“Đồ dùng còn tốt lắm!” - một bác thu mua đồng nát khẽ xuýt xoa với người đi cùng, cũng đang chăm chú chọn đồ ngay bên cạnh. Bác hoan hỉ: “Chỉ vô tình đi qua đường này, thấy lạ thì chạy vào thôi chứ chẳng nghĩ quần áo người ta mang ra đây ủng hộ lại còn mới và sạch sẽ thế. Đồ này mang về còn dùng được mấy mùa chưa hỏng, đỡ hẳn một khoản lo…”.
Hoàng Thị Xuân, người phụ trách tủ đồ từ thiện trên đường Nguyễn Chí Thanh cho tôi hay: “Chúng em là một nhóm thường tham gia các hoạt động xã hội cùng nhau đã nhiều năm nay. Cách đây vài tháng, một người kể lại chuyện đi thăm người thân trong bệnh viện, gặp một bệnh nhân hỏi địa chỉ từ thiện ở Hà Nội để xin quần áo ấm mà thương quá. Chúng em quyết định lập một vài quầy hàng miễn phí, nơi cho đi, nhận về những món đồ còn sử dụng được, phát huy hiệu quả câu “cũ người mới ta” để vừa giúp người nghèo vơi bớt khó khăn, vừa hạn chế sự lãng phí trong xã hội. Cách làm này đã được thực hiện ở nhiều nơi nhưng tại Hà Nội vẫn chưa đâu có cả”.
Nhanh chóng quyết định rồi thực hiện kế hoạch, nhóm “Quần áo từ thiện” tìm điểm đặt các giá hàng, tủ đồ, làm sao để dễ thấy nhưng không ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Ngoài địa chỉ 97 Nguyễn Chí Thanh, nhóm “Quần áo từ thiện” còn có thêm một quầy hàng khác trên phố Quán Sứ, cách Bệnh viện K không xa, với mong muốn hỗ trợ cả những người đi chăm bệnh nhân, lúc vội vã, bí bách có thêm tấm áo, manh quần để thay đổi. Ở một con phố mà sự tấp nập dường như chỉ thực sự giảm nhiệt khi đêm về khuya như Quán Sứ, việc xuất hiện của tủ quần áo miễn phí càng thu hút mối quan tâm, đồng cảm của nhiều người.
Chị Tuyết Mai, người phụ trách giá hàng này, chia sẻ: “Thời gian đầu, đồ ủng hộ ở đây chủ yếu là quần áo của anh chị em trong nhóm rồi chẳng mấy chốc, tin tức lan ra, người mang đồ đến ủng hộ ngày một đông, khiến ai ai cũng phấn khởi. Cảm giác hạnh phúc nhất là những việc làm của mình đang đi đúng hướng và không hề đơn độc”. Vừa trò chuyện, người phụ trách giá hàng, vừa ân cần giúp khách lựa đồ, rồi nhắc nhở mọi người, “Xem xong chị treo giúp lại lên mắc”, để người khác không mất công tìm kiếm. Chị Mai còn chia sẻ: “Nhiều người, dù thực sự muốn vào chọn lấy vài món đồ phù hợp, vẫn e dè, mặc cảm khi dừng chân tại những điểm “cho - nhận” như thế này. Chúng mình cảm nhận rõ điều đó nên luôn dặn nhau phải có thái độ trân trọng với người nhận quà. Ông bà mình thường nói “của cho không bằng cách cho” đấy thôi”.
Tôi giơ máy, thu về ống kính một trong nhiều khoảnh khắc hoan hỉ, hạnh phúc của những người lao động nghèo khi lựa được tấm áo phù hợp cho mình, cho người thân mà chẳng phải băn khoăn về tiền bạc. Lắng nghe câu nói chân thành của một người phụ nữ bán hàng rong: “Mới lắm nên cô lấy thêm về cho em mặc. Cô cảm ơn các cháu nhiều nhá”, để thấy, những suy nghĩ của các bạn trẻ trong nhóm “Quần áo từ thiện” thực sự chu đáo và đang phát huy tác dụng.
… Và tình người lan tỏa
Người phụ trách tủ đồ từ thiện trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Mấy ngày nay, người chở quần áo đến ủng hộ nhiều lắm. Người vội vã thì phóng qua rồi gọi: “Em ơi nhận hộ…”. Người rảnh rỗi sẵn sàng nán lại phụ giúp, phân loại, giũ phẳng áo quần, treo đồ lên giá. Trang phục mang đến ủng hộ cũng rất đa dạng, phổ biến nhất là áo khoác, áo len các loại. Thứ đến là quần bò, trang phục bảo hộ lao động… rồi còn cả đồ cho các em nhỏ mặc nữa. Hầu hết quần áo đều còn lành lặn và khá sạch sẽ, chứng tỏ, người lựa đồ đem cho thực sự mong món đồ của mình sẽ giúp ích được ai đó. Điều này khiến chính chúng em cũng cảm thấy xúc động và ấm áp”.
Cảm nhận của người phụ trách tủ đồ giống với suy nghĩ của nhiều người khi mang quần áo tới những điểm từ thiện trên để ủng hộ. Anh Bùi Đăng Quân (tòa nhà Vinhome phố Nguyễn Chánh) cho biết: “Mình làm việc cách đây không xa. Từ hôm phát hiện ra điểm cho nhận quần áo này mình đã thấy rất cảm động rồi. Mấy ngày, cứ xong việc nhà là mình và vợ tranh thủ tìm giở những trang phục cũ vẫn còn dùng được của cả nhà để đem qua ủng hộ. Có những thứ, nhiều năm rồi chẳng ai trong nhà còn động vào dù chẳng bị sao cả, rất lãng phí. Mang ủng hộ người nghèo còn thấy có ích hơn. Mình cũng mong hoạt động như thế này sẽ được nhân rộng nhiều hơn để người nghèo bớt khổ”.
Những suy nghĩ tích cực như vậy khiến người ủng hộ tìm tới hai địa chỉ từ thiện trên ngày một nhiều thêm như một minh chứng cho thấy ý thức sẻ chia trong cộng đồng đang được khơi dậy, lan tỏa. Đây là niềm vui nhưng cũng là “áp lực” không nhỏ với các bạn trong nhóm “Quần áo từ thiện” vì công việc ngày một nhiều mà sức người không xuể. Từ nhiều ngày qua, các bạn đang tích cực tìm kiếm kho để chứa đồ, tình nguyện viên để hỗ trợ hoạt động được chu đáo, chuyên nghiệp hơn từ đó từng bước tìm thêm những địa điểm phù hợp để nhân rộng điểm “cho - nhận” đồ dùng trong thành phố cũng như gửi tặng quần áo ấm cho người khó khăn ở vùng sâu, vùng xa của đất nước.
"Tủ quần áo di động" dành tặng người nghèo đã xuất hiện ở Vinh, Nghệ An. Quầy áo quần “Ai thừa đến ủng hộ. Ai thiếu đến lấy” đã từng xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn (Bình Định), Tam Kỳ (Quảng Nam) và giờ đây là ở ven đường tại Thủ đô Hà Nội. Có ai đó đã từng cho rằng, cuộc sống hiện đại với những áp lực đè nặng, những toan tính thường nhật khiến con người dường như đang dần trở nên vô cảm với nhau. Điều đó có thể đúng với nơi nào đó. Nhưng sự xuất hiện của các tủ đồ từ thiện cùng những trao gửi - nhận về bao ngày qua cho người chứng kiến quyền tin tưởng: Lòng tốt, tình người, truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta bao đời vẫn luôn hiện hữu, lan tỏa trong cộng đồng hôm nay.