An toàn trường học: Trách nhiệm của cả “ba nhà”

Giáo dục - Ngày đăng : 06:58, 12/01/2017

Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy và học, việc tăng cường quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn trường học luôn là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp quản lý, mỗi nhà trường cũng như các thầy giáo, cô giáo. Môi trường học đường có an toàn, lành mạnh, thì cô và trò mới có thể chuyên tâm dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục.

LTS: Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy và học, việc tăng cường quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn trường học luôn là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp quản lý, mỗi nhà trường cũng như các thầy giáo, cô giáo. Môi trường học đường có an toàn, lành mạnh, thì cô và trò mới có thể chuyên tâm dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để làm tốt điều ấy, chỉ sự nỗ lực của những người trong ngành là chưa đủ, mà đòi hỏi sự chung tay của cả “ba nhà”: Nhà trường - gia đình - xã hội.

Bài đầu: Những nguy cơ khó lường

Sự việc một nữ học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Trần Phú A (huyện Chương Mỹ) bị kẻ xấu nấp trong nhà vệ sinh của trường xâm hại tình dục vào tháng trước đã khiến dư luận xã hội bất bình, các phụ huynh học sinh (HS) giật mình lo lắng. Nhìn sâu xa hơn, để bảo đảm an toàn trường học còn nhiều việc phải làm...

Do điều kiện hạ tầng hạn chế, có nhiều trường học phải tổ chức cho phụ huynh đón con em ngoài cổng trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn giao thông.



Mối lo bị tấn công, xâm hại từ bên ngoài

Vào tháng 3-2016, tại Trường Tiểu học Đồng Thái (Ba Vì) cũng từng xảy ra vụ việc tương tự. Điều đáng nói, sau mỗi cơn bức xúc, hoang mang của phụ huynh, dư luận xã hội, sự việc lại dường như bị "quên lãng". Sau rút kinh nghiệm, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa có những giải pháp ngăn chặn triệt để và những vụ việc tương tự tiếp tục tái diễn. Rõ ràng, việc xử lý nghiêm khắc đối tượng vi phạm là cần thiết, nhưng đây chỉ là giải pháp “chặt ngọn”. Để bảo đảm an toàn bền vững, lâu dài cho HS trong trường, đem lại sự yên tâm tuyệt đối cho HS và phụ huynh, các nhà trường phải chủ động siết chặt quản lý, có biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế.

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 2.500 trường học các cấp, từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên đến giáo dục chuyên nghiệp. Mối lo mất an toàn tập trung tại các trường mầm non, tiểu học, bởi HS lứa tuổi này chưa có khả năng tự vệ, nhận thức về các đối tượng, hành vi xấu còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân khiến cho kẻ xấu dễ dàng xâm nhập trường học là hệ thống tường rào chưa kiên cố hoặc được xây dựng từ quá lâu, thiết kế không còn phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Ghi nhận thực tế tại các trường học cho thấy, một trong những kẽ hở khiến người lạ có thể len lỏi vào trường học để bắt cóc, xâm hại HS bắt nguồn từ việc mở cổng trường cho phụ huynh vào sân trường hoặc đến lớp học đón con em mình. Bà Nguyễn Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hoàng (Hai Bà Trưng) cho biết, trường có hơn 1.200 HS, hầu hết đều có cha mẹ đưa đón hằng ngày, vì vậy, lượng phụ huynh đưa đón con rất lớn. Trường nằm trên mặt phố Đại Cồ Việt - trục giao thông chính với lưu lượng xe qua lại lớn, nên đã phải bố trí một phần diện tích sân trường để phụ huynh đưa đón con. Theo bà Nguyễn Kim Dung, giải pháp trên giúp tránh được ùn tắc giao thông bên ngoài cổng trường, nhưng nếu không kiểm soát chặt sẽ là "kẽ hở" cho kẻ gian trà trộn, gây mất an toàn cho HS.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thương tích

Sự bất an về sức khỏe và tính mạng HS không chỉ đến từ nguy cơ phía bên ngoài cổng trường, mà còn tiềm ẩn ngay trong mỗi nhà trường. Hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố hiện nay đều được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Đa phần các trường đều có đầy đủ phòng học bộ môn phục vụ thực hành, thí nghiệm, phòng học tin học, phòng học ngoại ngữ...

Không những vậy, theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến năm học 2016-2017, hơn 50% trong số 2.500 trường học trên địa bàn thành phố có bếp ăn bán trú, với đầy đủ các trang thiết bị của bếp ăn một chiều như hệ thống bếp, dây dẫn khí ga, điện... Đó cũng là những yếu tố tiềm ẩn độ rủi ro cao cho HS như chập điện, cháy nổ..., nếu không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Chỉ tính trong nửa cuối năm 2016, ít nhất có hai vụ cháy nổ tại các trường học. Đó là vụ cháy xảy ra vào tháng 6 tại Trường Mầm non Đông La (Hoài Đức) thiêu rụi toàn bộ tài sản như ti vi, quạt trần, quạt treo tường, bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi... Mới đây, cuối tháng 11 cũng xảy ra vụ cháy tại Trường Mầm non Vimeco (Cầu Giấy) khiến nhiều người hoảng loạn. Rất may, cả hai vụ cháy đều xảy ra vào buổi chiều tối, khoảng thời gian không có HS nên không gây thiệt hại về người.

Xác định vai trò của việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong trường học, năm học 2016-2017 là năm thứ ba Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở Cảnh sát PCCC thực hiện quy chế phối hợp công tác PCCC, với 6 nội dung cơ bản, bao gồm tập huấn nghiệp vụ PCCC cho cán bộ, giáo viên; tổ chức hoạt động ngoại khóa về PCCC cho HS; tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ tại các nhà trường... Nội dung trọng tâm được tập trung triển khai từ nay tới cuối năm học của toàn ngành là rèn luyện kỹ năng PCCC, phòng chống ngạt khói, thoát nạn và cứu người cho cán bộ, giáo viên và HS khi xảy ra cháy nổ. Tại mỗi quận, huyện, thị xã cũng tổ chức thực hành triển khai phương án chữa cháy để sẵn sàng về mọi mặt khi có sự cố xảy ra trong trường học.
(Còn nữa)

Thống Nhất