“Khúc Giã biệt” tại Chicago
Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 12/01/2017
Tổng thống B.Obama vẫy tay tạm biệt sau bài diễn văn cuối cùng tại Chicago. |
Nhìn vào lịch sử cách đây 8 năm, nước Mỹ đã chào đón vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử với khẩu hiệu “Thay đổi. Vâng, chúng ta có thể”. Hai nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã thực sự tạo ra nhiều chuyển biến theo hướng tích cực cả về đối nội lẫn đối ngoại cho xứ Cờ hoa. Dù vẫn còn những điểm khiến ông chủ Nhà Trắng chưa thể hài lòng, song có thể nói đây là một di sản khá thuận lợi mà vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ để lại cho người kế nhiệm.
Về đối nội, dấu ấn đậm nét nhất trong “triều đại” B.Obama phải nhắc tới là những thành quả về kinh tế. Nhậm chức vào năm 2008, Tổng thống B.Obama phải “kế thừa” một nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát dưới thời người tiền nhiệm. Tỷ lệ thất nghiệp vọt lên mức hai con số, giá nhà ở rớt thảm hại còn Ngành Tài chính thì bên bờ vực sụp đổ. Sau 2 nhiệm kỳ, với những chính sách kiên định của ông, nước Mỹ đã có tương lai lạc quan hơn nhiều như tăng trưởng được khôi phục, thất nghiệp giảm hơn một nửa, thị trường chứng khoán đang đạt đến những đỉnh mới. Đáng chú ý, chương trình tái cho vay hợp túi tiền cho nhà ở, được tiến hành bởi cơ quan Tài chính nhà ở Liên bang, đã giúp hàng triệu người mua nhà ở Mỹ tránh khỏi cảnh bị tịch thu và giảm bớt gánh nặng từ các khoản vay mua nhà lãi suất cao. Dù thu nhập bình quân hộ gia đình vào năm 2015 vẫn còn thấp hơn mức năm 2007, song nếu so sánh bối cảnh ông B.Obama bắt đầu bước chân vào Nhà Trắng và thời điểm hiện nay, rõ ràng, người kế nhiệm Donald Trump có nhiều thuận lợi hơn.
Trong lĩnh vực an ninh, Tổng thống B.Obama đã ghi được dấu ấn lớn với cuộc đột kích ngày 2-5-2011 tại TP Abbottabad của Pakistan. Với những tin tức tình báo chính xác, đội đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama Bin Laden. Trên phương diện đối ngoại, vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã theo đuổi khá thành công chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo dựa trên nền tảng là “quyền lực mềm”, chú trọng hơn giải pháp đa phương để tiếp tục duy trì vị thế siêu cường của Mỹ. Điều này thể hiện qua việc hàn gắn quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm đối đầu. Ông trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm đảo quốc này kể từ chuyến công du của Tổng thống Calvin Coolidge vào năm 1928. Cũng lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, chính quyền Washington đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Không thể không nhắc tới một thành tích đối ngoại khác là thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa các cường quốc thế giới và Iran mà trong đó Washington có nhiều nỗ lực. Thỏa thuận này được coi là chiến thắng lớn về chính sách đối với cả Tổng thống B.Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani sau nhiều thập kỷ đối đầu, tạo môi trường tiếp xúc thuận lợi cho giới chức và doanh nghiệp hai nước. Cũng dưới thời chính quyền B.Obama, chính sách “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương được thúc đẩy mạnh mẽ với trọng tâm là củng cố các mối quan hệ với các đồng minh truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả những “người bạn mới” đang nổi lên đầy ấn tượng tại Đông Nam Á.
Có thể thấy rằng, vẫn còn nhiều điều mà Tổng thống B.Obama chưa làm được trong 8 năm cầm quyền. Một đất nước Iraq hỗn loạn, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine dang dở, cuộc cách mạng Mùa xuân Arab bắt đầu vào năm 2010 lan khắp khu vực Trung Đông với đỉnh điểm là nội chiến ở Syria... đã tạo nền móng cho sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bên cạnh đó, những mối quan hệ bị rạn nứt, đặc biệt là với Nga, làm gia tăng mối lo ngại “bóng ma” Chiến tranh Lạnh sẽ quay trở lại... Thế nhưng, vào thời điểm chuẩn bị khép lại trang cuối cùng của 8 năm tại vị ở Nhà Trắng, Tổng thống B.Obama hoàn toàn có thể tự hào về những gì mình đã làm được cho nước Mỹ. Và ông cũng có thể “thật vui khi trở về nhà” như cảm xúc đã chia sẻ trong bài phát biểu tại Chicago sáng 11-1 (giờ Việt Nam) - "khúc giã biệt" trong sự lưu luyến của hàng triệu người Mỹ.