TP Hồ Chí Minh: Tăng cường phòng chống cháy nổ tại khu dân cư

Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 13/01/2017

(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây, số vụ cháy tại các khu dân cư tăng mạnh, gây thiệt hại không nhỏ về người và của. Thực tế cho thấy, việc quản lý các khu vực này vẫn còn bị buông lỏng, tồn tại khoảng trống trong quản lý giữa các cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây tại TP Hồ Chí Minh xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân .



Những thiệt hại nghiêm trọng

Theo Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, trong năm 2016, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2.223 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó có 361 vụ cháy, 1.583 điểm báo xảy ra sự cố cháy, 16 vụ cháy do tự đốt, làm chết 8 người, bị thương 27 người; ước tính thiệt hại thành tiền gần 260 tỷ đồng.

Khu vực xảy ra cháy nhiều nhất là các khu dân cư, nhà dân đơn lẻ với 153/361 vụ (tỷ lệ hơn 42%). Số vụ cháy tại khu dân cư có giảm hơn so với năm 2015 (khoảng 50% số vụ cháy), tuy nhiên thiệt hại lại tăng, đặc biệt là hầu hết các vụ cháy gây chết người trong năm 2016 xảy ra tại các hộ gia đình kết hợp làm nơi kinh doanh buôn bán. Như vụ cháy ngày 28-11-2016 khiến 2 người chết tại số 1 đường Hồ Bá Phấn (phường Phước Long A, quận 9), vụ cháy khiến 3 người tử vong tại đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) ngày 4-10, hay vụ cháy ngày 10-6 tại căn nhà số 423 Lũy Bán Bích (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) khiến 4 người thiệt mạng....

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định về an toàn sử dụng điện, nguồn nhiệt chưa tốt. Ngoài ra, chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy tại các hộ gia đình kết hợp làm nơi kinh doanh buôn bán, do đó không có chế tài để quản lý. Đồng thời, việc quản lý các khu vực này vẫn còn đang bị buông lỏng, còn tồn tại khoảng trống trong việc quản lý giữa các cơ quan chức năng. Theo Luật PCCC, Cảnh sát PCCC chỉ có trách nhiệm kiểm tra nhắc nhở, còn trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về chính quyền địa phương. Vì thế, theo Đại tá Châu, cần phân cấp rõ trách nhiệm quản lý về an toàn phòng cháy tại khu vực này.

Xã hội hóa công tác phòng cháy

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phòng cháy tại khu dân cư, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu năm 2017 của Cảnh sát PCCC thành phố là kéo giảm 15% số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, trong đó đặc biệt là các vụ cháy tập trung tại các khu dân cư và nhà dân đơn lẻ, chiếm phần lớn số vụ và thiệt hại về tài sản và con người trong những năm gần đây.

Theo Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cần xem xét đến vấn đề xã hội hóa công tác PCCC, đẩy mạnh thực hiện phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ), tập trung huấn luyện đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và chuyên ngành nhằm mục đích phát hiện, phòng ngừa cháy nổ trong các khu dân cư đường nhỏ hẹp, các phương tiện chữa cháy khó tiếp cận khi xảy ra sự cố. Đồng thời, phải nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn PCCC và kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra, đặc biệt tại các hộ gia đình. Trung tướng Bùi Văn Thành cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc để xảy ra cháy nổ.

Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, Cảnh sát PCCC thành phố cần tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các giải pháp an toàn PCCC cụ thể, sát với tình hình thực tế phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. UBND thành phố sẽ xem xét kiến nghị, tham mưu của Cảnh sát PCCC để có quy chế phối hợp với các lực lượng vũ trang để đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tiến Thành