Vườn cây dược liệu bạc tỷ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:53, 13/01/2017

(HNM) - Cả sườn đồi mênh mông của thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn được dựng nhà lưới, che phủ cho hàng nghìn gốc trà hoa vàng, khôi tía, kim ngân…

Cây nào cây nấy được đánh số thứ tự, đề tên rõ ràng, được vun tưới, chăm bón cẩn thận; được trồng xen với các loại cây ngắn ngày mang đến giá trị hàng tỷ đồng/ha/năm. Chủ nhân của đồi dược liệu này là chị Nguyễn Thanh Tuyền, người phụ nữ đã nhiều năm dành tâm huyết để bảo tồn, phát triển những loài dược liệu quý…

Chị Nguyễn Thanh Tuyền trên cánh đồng dược liệu xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn).


Đắm đuối với cây dược liệu

Gặp chị Nguyễn Thanh Tuyền tại khu đồng dược liệu xã Bắc Sơn khi chị đang tất bật chăm bón cho những cây trà hoa vàng. Người phụ nữ ở tuổi ngoài 40 luôn thường trực nụ cười tươi rói, đang cùng bà con nông dân tưới nước, làm giàn cho cây dược liệu. Trên diện tích 5ha, được sắp xếp khoa học thành từng khu riêng biệt, có 60 loại thảo dược được trồng bảo tồn và 5 loài trồng phát triển. Ở đây, cây trà hoa vàng được trồng nhiều nhất, chiếm đến 4ha. Chị Tuyền cho hay: “Trà hoa vàng là một cây dược liệu quý. Lá và hoa vàng sắc uống có tác dụng điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, giải độc gan và thận. Trên thế giới có khoảng 196 loài trà, trong đó Việt Nam có khoảng 26 loài thì tôi đã sưu tập được 22 loại”.

Cây trà hoa vàng được phát hiện trong những cánh rừng như vùng núi Ba Chẽ (Quảng Ninh); Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hay Cúc Phương (Ninh Bình). Do có nhiều tác dụng trong chữa bệnh nên cây trà hoa vàng bị khai thác quá mức, ngày một khan hiếm. “Người ta săn lùng trà hoa vàng để bán cho thương lái Trung Quốc. Nhiều người vì hám lợi mà vào rừng tìm cây chặt hạ, bán cả cây con. Nếu không được bảo tồn thì nguy cơ giống trà hoa vàng của Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng. Vì vậy, tôi lặn lội đi nhiều nơi, kiếm tìm, mua lại các gốc trà hoa vàng về nhân giống” - chị Tuyền chia sẻ. Những nhọc nhằn của chị Tuyền đã được đền đáp khi đến nay, trà hoa vàng trong khu dược liệu của chị đã được nhân lên 12.000 cây với 22 loài. Cùng với trà hoa vàng, cánh đồng dược liệu ở xã Bắc Sơn còn bảo tồn hàng chục loài thuốc quý khác như cây khôi tía dùng để chữa các bệnh dạ dày và đau bụng; cây kim ngân có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống dị ứng...

Chị Tuyền cho biết, xây dựng vùng sản xuất là nhằm bảo tồn và phát triển những cây dược liệu quý của Việt Nam, đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho các công ty dược, hướng đến phát kinh tế bền vững cho nông dân, bảo vệ môi trường. Cây dược liệu ở đây được trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. “Dùng phân bón hữu cơ tuy đắt hơn so với phân vô cơ nhưng có chất lượng tốt hơn, an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đã là dược liệu thì phải thật sạch vì sạch mới có tác dụng trong chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe” - chị Tuyền cho biết.

Hiện nay, dược liệu ở Sóc Sơn được các công ty dược bao tiêu sản phẩm. Một số loại dược liệu được chị Tuyền chế biến thành các sản phẩm như trà hoa, thảo mộc; tinh dầu, gối chườm, mỹ phẩm thảo dược… cung cấp cho thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Nói về ý tưởng làm các loại trà ướp hoa, chị Tuyền cho biết, người Châu Á có thói quen uống trà, nếu kết hợp giữa trà và dược liệu vừa thơm vừa tốt cho sức khỏe cho nên tôi mày mò học cách ướp trà và cho ra thị trường một số loại trà: Hoa cúc, kim hoa trà, trà thảo dược gồm 8 loại hoa gồm trà hoa vàng, sói rừng, ngâu, kim ngân, hoa tam thất, hoa hòe, hoa cúc, ngọc lan.

Cùng nông dân làm giàu

Nhớ lại thời điểm năm 2014, mới bắt tay vào trồng cây dược liệu, chị Tuyền gặp vô vàn khó khăn do tập quán canh tác của người nông dân ít tuân thủ quy trình sản xuất sạch, muốn có thu hoạch nhanh, không kiên trì lại luôn lo đầu ra cho sản phẩm... Tuy nhiên, với niềm đam mê và quyết tâm bảo tồn, phát triển cây dược liệu, chị Tuyền đã thuyết phục được người dân quê mình cùng hợp tác. Đến nay, cả 3 vùng sản xuất của chị Tuyền liên kết với nông dân Sóc Sơn đều đã được Viện Nghiên cứu đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) xác nhận mô hình sản xuất dược liệu theo hướng hữu cơ bền vững áp dụng công nghệ Anisaf SH-01 trong bảo vệ thực vật. Theo đó, mô hình đáp ứng được các tiêu chí về đất sạch, nước sạch và sử dụng phân bón theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP…

Từ cánh đồng thảo dược ở xã Bắc Sơn, đến nay chị Tuyền còn phát triển thêm 2 vùng dược liệu khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn, nâng tổng diện tích trồng cây dược liệu lên 13ha. Trong đó, xã Bắc Sơn có 5ha, Xuân Giang 5ha và Trung Giã 3ha. Ở ba vùng sản xuất này, hình thức liên kết có sự khác biệt. Tại Bắc Sơn, chị thuê đất và thuê chủ đất trồng, chăm sóc dược liệu; trong khi ở xã Trung Giã lại là hình thức liên kết với nông dân cùng đầu tư; còn tại xã Xuân Giang, là sự liên kết với hợp tác xã địa phương để tổ chức trồng dược liệu. Theo chị Tuyền, mỗi hình thức đầu tư có những ưu điểm riêng. Ví như khi liên kết với nông dân sẽ trồng cây dược liệu ngắn ngày để nhanh khép lại chu kỳ sản xuất, sớm chia lợi cho nông dân, còn với hình thức tự thuê đất của dân để trồng thì chọn đầu tư cây lâu năm.

Ông Trịnh Hồng Phong, thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn cho hay: Do là đất đồi gò, canh tác khó khăn, trước đây gia đình ông chỉ trồng chè, trồng sắn hiệu quả kinh tế thấp. Hơn một năm qua, gia đình cho thuê 5ha đất trồng dược liệu tiền thuê đất cao gấp cả chục lần trồng chè, sắn. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình được thuê trông nom, chăm sóc dược liệu với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng, đời sống nâng lên rõ rệt. Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng nhận xét: Mô hình trồng cây dược liệu vận hành theo phương thức doanh nghiệp góp vốn và công nghệ, nông dân góp đất và công lao động phát huy hiệu quả cao. Đối với cây râu mèo - một loại dược liệu trị bệnh sỏi thận, sỏi túi mật... chỉ trồng một lần có thể cho thu hoạch 5-6 năm, giá trị thu nhập đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Cây trà hoa vàng trồng 5-6 năm mới cho thu hoạch nhưng bà con có thể tận dụng trồng xen các loại hoa dược liệu để lấy ngắn nuôi dài, giá trị khi thu hoạch đạt hàng tỷ đồng/ha/năm. Cây dược liệu chính là một hướng đi mới được chính quyền huyện Sóc Sơn chỉ đạo, vận động doanh nghiệp và nhân dân tiếp tục phối hợp để mở rộng diện tích canh tác để nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân.

Không chỉ liên kết với nông dân các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đầu năm 2016 chị Tuyền cùng bà con thôn Hòa Lạc, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức triển khai trồng 3ha cây râu mèo. Diện tích này hiện tăng trưởng tốt, đã cho thu hoạch với sản lượng ngày một tăng. Hy vọng một ngày không xa, mô hình “cánh đồng dược liệu bạc tỷ” của chị Tuyền sẽ được mở rộng hơn nữa để vừa bảo tồn và lưu giữ được những cây thuốc quý vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người nông dân các vùng ngoại thành Hà Nội.

Minh Phú