Ý tưởng xây cáp treo vào Tân Sơn Nhất táo bạo... nhưng “như nói đùa”
Giao thông - Ngày đăng : 16:08, 13/01/2017
Trong buổi làm với lãnh đạo Bộ GTVT tại Cảng vụ hàng không Miền Nam về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Đinh Dậu 2017 tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 11/1, lãnh đạo sở GTVT TPHCM cho biết, một nhà đầu tư đề xuất làm cáp treo vào sân bay để tránh kẹt xe.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, đề xuất xây cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất mới là ý tưởng của nhà đầu tư, việc thực hiện hay không còn phải trải qua nhiều bước nghiên cứu.
Theo ông Cường, công viên Gia Định cách sân bay Tân Sơn Nhất chỉ hơn 1km. Công viên này đã được quy hoạch có 5 bãi đậu xe, trong đó có một bãi đậu xe ngầm. Để giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, Cục hàng không Việt Nam đã có chủ trương mở bãi đậu xe đồng thời kết hợp với thương mại dịch vụ và dịch vụ check-in cho hành khách đi máy bay.
Nói về ý tưởng xây cáp treo vào sân bay, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông cho rằng, đây là ý tưởng táo bạo nhưng không tưởng, không thể thực hiện và “như câu nói đùa”.
TS.Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho biết, việc xây dựng cáp treo chỉ áp dụng trên các địa hình đồi núi hiểm trở, bên dưới không có không gian để làm đường hoặc khu di tích văn hóa. Cáp treo chỉ phục vụ cho mục đích du lịch với lượng ít người đi chứ không thể dùng để chống kẹt xe với lượng lớn người tham gia giao thông như TPHCM.
“Đây là ý tưởng không tưởng và không khả thi. Tôi chưa thấy ở đâu làm cáp treo như vậy, kể các các nước phát triển”, TS. Phạm Sanh nói.
Kẹt xe quá lâu khiến người dân phải đi bộ vào sân bay. |
Theo TS.Phạm Sanh, việc áp dụng cáp treo cho phục vụ du lịch thì hoàn toàn hợp lý bởi nó giúp du khách có thể quan sát cảnh vật xung quanh từ trên cao xuống. Tuy nhiên, vấn đề bảo dưỡng và an toàn cho người dân cho dù được làm với công nghệ tốt nhất nhưng không thể lường trước được rủi ro xảy ra.
“Không có gì là tuyệt đối, ai dám đảm bảo an toàn cho người dân khi đi cáp treo, hơn nữa, những chiếc cáp treo đung đưa trên đầu người đi đường, trên nóc nhà dân có an toàn? Các nước phát triển nếu có tuyến metro thì phải nối vào sân bay chứ không ai làm cáp treo”, TS. Phạm Sanh nói.
Về việc nhà đầu tư cho rằng việc xây dựng cáp treo vào sân bay chỉ tốn chi phí bằng 1/10 so với xây dựng metro, TS. Phạm Sanh cho rằng, dù đầu tư tuyến metro vào sân bay chi phí cao hơn, thời gian thi công lâu hơn nhưng tính an toàn và khả thi cũng cao hơn.
“Không thể lấy tính mạng con người, sự an toàn của hàng trăm, hàng nghìn người để đổi lấy giá đầu tư rẻ hơn. Bây giờ xây dựng cáp treo từ công viên gia định, mai mốt lại xây cáp treo nối với công viên Hoàng Văn Thụ?”, TS. Phạm Sanh đặt vấn đề.
Cũng theo T.S Phạm Sanh, vấn đề kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua không phải do lượng khách du lịch qua sân bay mà chủ yếu do nhu cầu đi lại của chính người dân thành phố. “Điều cốt lõi là chính quyền phải tổ chức lại giao thông, làm đường, cầu vượt để giải tỏa các điểm kẹt xe”, TS.Phạm Sanh nói.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất không phải do khách đi máy bay mà do người dân thành phố. Đề xuất xây dựng tuyến cáp treo vào sân bay là “thiếu thiết thực và không thể giải quyết vấn đề kẹt xe”.
“Xây dựng cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất là bài toán sai lầm, không giải quyết được vấn đề kẹt xe. Nơi đây cũng không phải cửa ngõ người dân vào sân bay đông mà cửa ngõ chính là các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn… Hơn nữa, những chiếc cáp treo lơ lửng trên đầu người dân là quá nguy hiểm”, TS.Hòa nói.