Nông dân với nỗi buồn hoa rớt giá
Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 13/01/2017
Ảnh minh họa |
Vỡ mộng khi trồng hoa ly...
Đến thăm vựa hoa lớn nhất Hà thành (phường Tây Tựu, quận Nam Từ Liêm) mới cảm nhận được nỗi buồn của người trồng hoa. Những năm trước, nhiều nông dân nơi đây đã làm chủ được công nghệ trồng hoa ly nên chất lượng hoa đẹp, được thị trường đón nhận. Năm nay, nhiều nhà vườn ở Tây Tựu đầu tư loại hoa ly đỏ 7 tai, bông đại, cánh dầy, hương thơm với số vốn đầu tư 1 sào hoa ly lên tới 200 triệu đồng tiền giống, dự kiến bán đúng dịp Tết Nguyên đán sẽ được 70.000 đồng đến 80.000 đồng/cành. Tuy nhiên, trời không chiều lòng người, giá hoa rớt mạnh, hiện các chủ vườn chỉ bán được hơn 20.000 đồng/cành, nông dân lỗ tới 200 triệu đồng/sào. Bà Nguyễn Thị Quế, tổ dân phố Hạ 12 buồn rầu chia sẻ: Tết này nhiều nông dân Tây Tựu lỗ tiền tỷ. Biết thua lỗ nặng, nông dân vẫn phải ăn ngủ bên ruộng hoa để chăm sóc và cắt bán.
Mặc dù đã xuống giống rải vụ, 3 sào hoa ly đón Tết Nguyên đán, 3 sào hoa ly đón rằm tháng Giêng… nhưng do thời tiết nắng ấm nên toàn bộ diện tích hoa đón Tết Nguyên đán của gia đình anh Chu Hữu Đàm ở tổ dân phố Hạ 9 đã nở sớm hơn 20 ngày so với dự kiến. Anh Đàm cho biết: Người trồng hoa ly năm nay gặp “đại họa” kép, không chỉ chuyện hoa nở sớm do nắng nóng, cách đây 20 ngày, họ còn gặp “hạn” do tin đồn trên mạng xã hội khuyến cáo không nên thắp hương bằng hoa ly vì có nghĩa là ly biệt… và mùi hoa ly độc nên giá đột ngột giảm sâu khiến người dân lỗ nặng. Trên thực tế việc dị ứng với phấn hoa không phải là chuyện lạ, và nó tùy thuộc vào cơ địa của từng người, chứ không phải cứ ai ngửi hoa ly sẽ bị dị ứng. Việc này, ông Đặng Trường Phi, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu kiến nghị: Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt xử lý nghiêm các tin đồn thất thiệt về nông sản làm khổ nông dân.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Lợi, một trong những “lão làng” trồng hoa ly ở xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) nhận định: Việc dự báo thị trường, dự tính thời tiết của nông dân chủ yếu dựa trên kinh nghiệm nên đây là mùa hoa Tết thứ 2, người trồng hoa chất lượng cao của Hà Nội “sạt nghiệp” do hoa ly nở sớm và rớt giá mạnh. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: Toàn huyện có trên 400ha hoa, trong đó hoa hồng trồng tập trung ở các xã Mê Linh, Văn Khê, hoa cúc ở xã Đại Thịnh… Mặc dù thị trường tiêu thụ khá sôi động nhưng giá thấp nên hầu như nông dân chỉ lấy công làm lãi.
Cần thích ứng trong điều kiện mới
Hiện diện tích trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố khoảng 3.000ha với 50 vùng sản xuất tập trung, quy mô 20ha trở lên/vùng. Trong 5 năm trở lại đây, chủng loại hoa của Hà Nội đã thay đổi đáng kể, trong đó diện tích trồng hoa ly, hoa hồng chất lượng cao đã đạt trên 300ha. Nhiều vùng hoa chất lượng cao, đầu tư công nghệ cho thu nhập tới cả tỷ đồng/ha.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sản xuất hoa của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, dòng hoa cao cấp đáp ứng được 20%, còn lại vẫn phải nhập từ các tỉnh, do đó chưa thể khẳng định do phát triển ồ ạt dẫn tới rớt giá. Trồng hoa vẫn là một nghề đem lại thu nhập cao cho nông dân, hơn hẳn các loại cây trồng khác nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thời tiết và giá cả thị trường. Trong tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường đang là trở ngại lớn cho việc phát triển trồng hoa. Muốn thích ứng với nó, không có cách nào khác, nông dân cần nâng cao ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa.
Để một vùng hoa phát triển ổn định, ngoài việc tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng mối liên kết giữa nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ… mới cho hiệu quả. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, thành phố khuyến khích thành lập liên minh HTX, doanh nghiệp sản xuất hoa chất lượng cao để các thành viên có cơ hội trao đổi, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật cũng như lên lịch sản xuất cho khớp với nhu cầu thị trường.