Vì sao người dân không đồng thuận?
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:57, 14/01/2017
Phản ánh của người dân
Tháng 10-2014, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5376/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 3191/QĐ-UBND ngày 17-6-2014 của UBND thành phố về việc phê duyệt danh mục DA có sử dụng đất (SDĐ) công bố lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn thành phố năm 2014. Trong đó, có DA “Xây dựng chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà”. Đây là DA được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, do UBND huyện Đông Anh là đơn vị mời thầu. DA có quy mô hơn 4,8ha, chi phí dự toán trên 106 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn huy động hợp pháp của nhà đầu tư trúng thầu - Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Công ty ĐTXD Việt Nam). Để thực hiện DA, 249 hộ dân có đất nông nghiệp thuộc ba thôn: Thiết Bình, Thiết Ứng và Cổ Châu nằm trong diện phải thu hồi đất (THĐ). Sau khi tiến hành các bước triển khai theo quy định, đầu tháng 10-2016, UBND huyện Đông Anh ban hành Thông báo số 994/TB-UBND, về việc THĐ để thực hiện DA. Cũng từ đây, nhiều hộ dân trong diện bị THĐ-GPMB đã gửi đơn khiếu nại đến Báo Hànộimới và chính quyền các cấp, phản đối DA này.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân bày tỏ, UBND huyện Đông Anh ra thông báo THĐ, trong đó có nhiều diện tích ruộng hai lúa của người dân ở ba thôn để xây dựng chợ gỗ Vân Hà, thì người dân lâu nay sống nhờ đồng ruộng biết lấy gì để làm ăn, sinh sống? Chị Đỗ Thị Hậu - một hộ dân bị thu hồi đất cho biết: “Thôn Cổ Châu có 29 hộ dân có đất nằm trong DA. Đây là đất được giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, đã được chuyển đổi một phần sang trồng cây và tập kết, kinh doanh gỗ nguyên liệu. Bao nhiêu năm sinh sống tại đây, chúng tôi chưa từng được nghe về DA này. Huyện ra thông báo THĐ trong khi chúng tôi không được họp, đóng góp ý kiến. Nếu Nhà nước THĐ để xây dựng công trình phúc lợi xã hội hay DA giao thông nông thôn, quốc phòng… chúng tôi sẵn sàng giao...”. Cũng theo phản ánh, trên địa bàn xã Vân Hà, cách DA Xây dựng chợ nguyên liệu gỗ chỉ 500m từ lâu đã hình thành Cụm công nghiệp (CCN) sản xuất làng nghề với diện tích hơn 10ha nhưng đến nay chỉ có vài hộ xây dựng nhà xưởng; đa số diện tích còn lại bị bỏ hoang. Nhiều hộ dân mua đi bán lại để lấy số tiền chênh lệch, xây dựng nhà không phép…(!?).
Triển khai chưa đúng quy trình?
Trước những thắc mắc của người dân, bà Đỗ Thị Hảo - Chủ tịch UBND xã Vân Hà khẳng định: “Xã Vân Hà có 5 thôn với 2.650 hộ làm nghề. Muốn làm nghề mộc phải có chợ nguyên liệu gỗ. Hằng năm, trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân luôn bày tỏ nguyện vọng sớm xây dựng chợ nguyên liệu gỗ trên địa bàn để phục vụ kinh doanh, sản xuất. Đáp ứng nhu cầu này, xã đã trình lên huyện để lập DA trình thành phố. Việc người dân phản ánh chính quyền chưa thông tin đầy đủ, chính xác về DA là không đúng. Ngay từ năm 2010, bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng SDĐ xã Vân Hà do Viện Kiến trúc nhiệt đới lập đã được trưng bày công khai tại trụ sở UBND xã và các thôn. Xã đã nhiều lần TB thông tin về DA trên hệ thống loa công cộng nhưng có thể do người dân mải mê kiếm tiền, bận bào - đục nên không nghe thấy, nắm rõ (!)”. Cũng theo bà Hảo, phần lớn các hộ dân trong diện thu hồi GPMB đều đồng thuận với DA. “Như thôn Thiết Ứng, chỉ sau một ngày đã có 40 hộ dân đến làm thủ tục kê khai. Hiện chỉ có 29 hộ dân thôn Cổ Châu chưa đồng thuận. Đây là những hộ dân bám mặt đường để buôn bán gỗ từ 10 năm nay, làm giàu trên đất nông nghiệp. Về các trường hợp này, xã thừa nhận đã buông lỏng quản lý đất đai” - bà Hảo cho biết.
Tuy nhiên, trái với lời bà chủ tịch xã, ông Ngô Hải Sơn - Bí thư thôn Cổ Châu - thành viên Tổ công tác GPMB DA, lại thẳng thắn: “DA được xây dựng với mục đích tốt nhưng quy trình triển khai chưa đầy đủ, thiếu dân chủ. DA được thành phố phê duyệt từ năm 2014 nhưng chúng tôi là cán bộ thôn cũng không hề hay biết. Tất cả văn bản từ huyện, xã gửi xuống cũng chỉ có bản phô tô, khi người dân thắc mắc về việc bản phụ lục ban hành kèm quyết định của UBND thành phố không có con dấu, chữ ký của lãnh đạo thành phố, chúng tôi rất khó trả lời bà con…”. Về vấn đề này, bà Hảo cho hay, xã cũng chỉ nhận được bản phô tô các Quyết định và phụ lục đính kèm, muốn có văn bản gốc kèm dấu đỏ của UBND thành phố, phải lên huyện!
Về thông tin SDĐ sai mục đích tại CCN làng nghề, bà Hảo thừa nhận: “Có tình trạng một số hộ dân đã xây dựng sai GPXD được cấp, UBND xã đã tiến hành xử lý theo quy định”. Trên thực tế, hầu hết các công trình sai phép này đều được xây dựng theo kiểu nhà để ở chứ không phải phục vụ vào mục đích sản xuất, kinh doanh theo tiêu chí đã được thành phố phê duyệt. Về vấn đề này, Báo Hànộimới sẽ tiếp tục xác minh và thông tin đến bạn đọc trong số báo khác.
Rõ ràng, một chủ trương đúng đắn của thành phố nhằm mục đích phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân nhưng cách triển khai, thực hiện DA như trên là nguyên nhân khiến người dân không đồng thuận. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu DA xây dựng chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà có bị bỏ hoang, “biến tướng”, sử dụng sai mục đích như một số DA trên địa bàn thời gian qua?!