Nuôi mạch ngầm chảy mãi
Văn hóa - Ngày đăng : 07:40, 14/01/2017
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên, Tạp chí Văn nghệ Quân đội vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. |
Trưởng thành từ "ngôi nhà số 4"
Trong hành trình 60 năm của Tạp chí ghi dấu biết bao tên tuổi lớn gắn bó cùng "ngôi nhà số 4" (số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội - trụ sở Tạp chí). Có thể kể ra những Phùng Quán, Mai Văn Hiến, Đỗ Nhuận, Tạ Hữu Thiện, Xuân Thiêm, Hữu Mai, Hồ Phương, Mai Ngữ, Nguyễn Thi, Thu Bồn, Xuân Sách, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung, Triệu Bôn, Hữu Thỉnh, Phạm Ngọc Cảnh, Chu Lai, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa… Nói về những cây bút tài năng ấy, Tổng Biên tập Tạp chí VNQĐ Nguyễn Bình Phương khẳng định: "Họ, bằng những sáng tác văn học của mình, luôn bám sát và phản ánh đời sống chiến sĩ cùng với hậu phương của họ, tập trung xây dựng tư tưởng, tình cảm lành mạnh, xây dựng con người mới trong quân đội".
Trong chiến tranh, nhiều nhà văn của VNQĐ đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, cũng ba lô, dép cao su, gậy Trường Sơn thâm nhập chiến trường để có những trang viết phản ánh kịp thời tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta. Và trong số đó, không phải ai cũng trở về lại "ngôi nhà số 4". Ví như Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Thi đã nằm lại vĩnh viễn ở miền Nam trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Ông ngã xuống trước cửa ngõ Sài Sòn khi trong tay đang cầm súng và trong ba lô là những trang bản thảo truyện ký viết dở. Nhiều nhà văn - chiến sĩ của Tạp chí đã thực sự dấn thân để làm nên những tác phẩm giàu giá trị nhân văn. Hàng loạt tác phẩm như: "Bức thư làng Mực" của Nguyễn Chí Trung, "Bài ca chim Chrao" của Thu Bồn, "Người mẹ cầm súng", "Trăng sáng", "Đôi bạn" của Nguyễn Thi, "Dải đất hẹp" của Trần Mai Nam, "Cuộc chiến đấu trên mặt đường" của Xuân Thiều… đã trở thành nền tảng cho mảng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và dòng VHNT sau này.
Bà đỡ cho tài năng
Bước vào giai đoạn hội nhập, Tạp chí VNQĐ đã có nhiều cải tiến cả về hình thức và nội dung, tiếp tục khẳng định vị thế và truyền thống trong lĩnh vực sáng tác, phê bình VHNT. Ngoài việc có thêm tờ VNQĐ điện tử với số lượng truy cập lên tới hàng triệu độc giả, Tạp chí vẫn duy trì được một tháng hai kỳ báo in. Điều đáng quý là số lượng bạn đọc của tạp chí in hầu như không suy giảm. Đội ngũ những nhà văn hiện nay đều trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề, nhưng bù lại, họ có trình độ học vấn, được đào tạo bài bản, có kỹ năng làm báo, biên tập và điều quan trọng nhất, họ đều là những tài năng văn chương của quân đội, có những sáng tác gắn với đề tài này. Qua những trang viết, Tạp chí phần nào trở thành cầu nối giữa chiến sĩ với đời sống, trang bị cho họ kiến thức, chuẩn bị tinh thần cho họ khỏi lạc lõng khi xuất ngũ.
Một điểm rất đáng kể, đó là Tạp chí vẫn duy trì tốt khả năng phát hiện và tập hợp được đội ngũ sáng tác tài năng. Nhà văn Kiều Bích Hậu chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: "Điều tôi luôn yêu quý trân trọng ở VNQĐ, đó là họ có đội ngũ biên tập viên (BTV) thực sự tâm huyết và có trình độ cao. Chỉ cần tác phẩm có chút lấp lánh giá trị, BTV sẽ chủ động liên lạc người sáng tác để chỉ ra những điều cần điều chỉnh, đem đến sự động viên thiết thực, khơi gợi để tác giả hào hứng chỉnh sửa tác phẩm. Hiếm nơi nào các BTV gần gũi và chăm sóc, hỗ trợ người sáng tác theo đuổi con đường của mình để đầu tư cho văn chương như ở đây". Nhà văn Trần Thanh Cảnh, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội cũng nhận định: "Tạp chí luôn chứng tỏ rất tốt khả năng tập hợp đội ngũ những cây viết tài năng, làm bệ đỡ nâng cánh cho các tác phẩm. Tiếp lửa 60 năm truyền thống dịp này, tôi tin Ban Biên tập Tạp chí sẽ có nhiều bước đi đột phá hơn, tạo được nhiều sân chơi hấp dẫn và ý nghĩa cho cả người sáng tác và các nhà lý luận phê bình VHNT, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập".
Với sức mạnh từ truyền thống, tài năng và tâm huyết của người làm nghề, chúng ta có thể chờ đợi thêm sự xuất hiện của những tác phẩm giàu giá trị nhân văn từ "ngôi nhà số 4".
Trong quá trình phát triển, nhiều cây bút của Tạp chí VNQĐ đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Bộ Quốc phòng và các giải thưởng quốc tế như giải Bông Sen, giải ASEAN, giải Sông Mê Kông. Có nhà văn được phong Anh hùng và có những nhà văn đã được đặt tên phố, tên trường như Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Xuân Thiều. VNQĐ cũng là tạp chí VHNT đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang (năm 2007). |