Vinh danh 7 tác giả đoạt Giải thưởng Văn học năm 2016
Văn hóa - Ngày đăng : 17:13, 14/01/2017
Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học năm 2016. |
Ở hạng mục văn xuôi, tập truyện ngắn "Làn gió chảy qua" của nhà văn Lê Minh Khuê và tiểu thuyết "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai được nhận giải thưởng. Ở hạng mục thơ, tập thơ "Tổ Quốc nhìn từ biển" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và tập thơ song ngữ Việt-Tày "Vũ khúc Tày" của tác giả Y Phương được trao giải. Tập chân dung văn học, đàm luận văn chương "Giọt nước trong lá sen" của tác giả Khuất Bình Nguyên, tập chuyên luận phê bình và nghiên cứu văn học "Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại" của tác giả Trần Huyền Sâm là hai tác phẩm được trao giải thưởng hạng mục phê bình văn học. Tác phẩm văn học dịch "Lâu đài sói" (tác giả Hilary Mantel), do dịch giả Nguyễn Chí Hoan chuyển ngữ được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016 ở hạng mục văn học dịch.
Năm 2016, số tác phẩm được đề cử cho Giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam là 174 tác phẩm, trong đó thơ có 66 tác phẩm của 62 tác giả, văn có 78 tác phẩm của 77 tác giả, lý luận phê bình có 19 tác phẩm của 18 tác giả và văn học dịch có 11 tác phẩm. Theo nhận định của Hội đồng chấm giải, các tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016 đã phản ánh nhiều góc cạnh các vấn đề thời sự của đất nước, nhiều điều mới trong cách thể hiện. Bằng những con đường sáng tạo riêng của mình, họ đã đóng góp sự đa dạng, phong phú cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: Giải thưởng năm nay, cảm hứng về Tổ Quốc có thể nổi bật nhưng cũng có thể cân bằng với những điều khác. Ông phân tích: "Khi Nguyễn Việt Chiến viết về Tổ Quốc với những bài thơ về biển đảo thì Y Phương lại viết vẻ đẹp của văn hóa truyền thống trong một thế giới hiện đại. Lê Minh Khuê lại gọi ra những thông điệp về nhân tính trong những mảnh đời vụn vặt mà chị là một nhân chứng. Còn Chu Lai lại viết về chiến tranh…".
Đánh giá về tác phẩm đoạt giải thể loại phê bình văn học, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: "Không phải lần đầu tiên vấn đề nữ quyền được đề cập trong các nghiên cứu văn học ở Việt Nam, nhưng tác giả Trần Huyền Sâm đã thực sự mang đến cho bạn đọc một cái nhìn bao quát, đa tầng, khoa học, hệ thống và một khám phá mới mẻ về vấn đề này. Có thể nói, "Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại" của Trần Huyền Sâm là tác phẩm nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam mở ra một chiều kích rộng nhất, sâu nhất và đa dạng nhất về nữ quyền".Với "Lâu đài sói", Hội đồng chấm giải nhận xét: Dịch giả Nguyễn Chí Hoan đã "diễn trình một cách xuất sắc tác phẩm lớn này trong văn bản tiếng Việt".