Sĩ quan trẻ và tấm lòng thiện nguyện

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:24, 15/01/2017

(HNM) - Nhiều năm qua, Đại úy Trần Anh Tuấn, công tác tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) vừa dạy đàn cho trẻ khiếm thị, vừa bán chổi giúp người khuyết tật với phương châm sống đơn giản là gặp ai khó khăn thì giúp đỡ, gặp việc chung tình nguyện làm…

Đại úy Trần Anh Tuấn dạy đàn cho học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu.


Chàng trai tài hoa

Ngay từ khi còn bé, Trần Anh Tuấn đã đam mê âm nhạc, say sưa với cây đàn và thích ca hát. Sau này, Tuấn theo học tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương. Yêu âm nhạc nhưng từ nhỏ Tuấn đã có mơ ước trở thành chiến sĩ công an. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, “chàng nghệ sĩ” điển trai đã được tiếp nhận vào công tác tại Trường Đại học PCCC.

Vốn sẵn trong mình máu nghệ sĩ lại năng nổ, hoạt bát, Tuấn được phân công làm cán bộ Đoàn. Trần Anh Tuấn được biết đến là một trong những người đi đầu trong phong trào học và chơi guitar trong giới học sinh, sinh viên. Năm 2007, anh cũng là người khởi xướng thành lập Câu lạc bộ guitar của Trường Đại học PCCC. Không chỉ đàn giỏi, hát hay, sĩ quan trẻ này còn sáng tác rất nhiều ca khúc về sinh viên, về lực lượng Công an nhân dân. Nhắc đến Tuấn, hầu hết các bạn trẻ của Đại học PCCC và rất nhiều trường đại học tại Hà Nội đều biết và hay hát những ca khúc của anh như “Nụ cười trong mắt em”, “Khi em xa anh”, “Giọt thời gian”,...

Trong các hoạt động nghệ thuật của giới trẻ Hà thành và sinh viên các trường đại học, Trần Tuấn Anh đã trở thành khách mời danh dự và cũng là người nghệ sĩ được nhiều sinh viên yêu thích. Trong màu áo xanh của chiến sĩ công an, với chiếc guitar trên tay, anh say sưa hát những ca khúc ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ và những người chiến sĩ công an hết lòng phụng sự Tổ quốc.

Hình ảnh đầy chất nghệ sĩ trong Tuấn đẹp hơn khi anh lặng lẽ ngồi cạnh các em nhỏ khiếm thị của Trường Nguyễn Đình Chiểu và hát cho các em nghe, dạy các em chơi đàn. Công việc tình nguyện ấy của Trần Anh Tuấn đã bắt đầu từ 3 năm trước. Một buổi dạy đàn guitar cho trẻ khiếm thị của Tuấn đông nhất là 10 em và anh chưa từng nghỉ một buổi dạy nào dù cho hôm đó chỉ còn một học sinh. “Tôi muốn các em hiểu rằng hôm nào tôi cũng sẽ đến với các em. Nếu tôi chỉ nghỉ một buổi thôi mà vô tình hôm đó có học sinh đến học, lần sau các em cũng sẽ nghĩ có thể thầy không đến”, Tuấn chia sẻ.

Đại úy Tuấn cho biết thêm, cái khó nhất khi dạy các em nhỏ học guitar chính là cách truyền cảm hứng và niềm đam mê đến các em. Với một người bình thường, học guitar đã phải kiên trì và nỗ lực, với các em khiếm thị điều ấy càng phải nỗ lực hơn. Vì thế trước khi dạy, việc đầu tiên anh Tuấn làm là chơi guitar để các em có thể cảm thụ âm nhạc. Sau đó, anh cầm tay từng em, nhắm mắt lại, đặt mình vào vị trí của các em để biết mình phải dạy như thế nào để các em hiểu. Em Lưu Xuân Tuân, học sinh lớp 3 Trường Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Thầy Tuấn rất hiền và tình cảm. Thầy không bao giờ cáu. Thầy dạy bọn em từng tí một, thầy còn hát cho chúng em nghe nữa. Chúng em bạn nào cũng yêu quý thầy”.

Hết lòng vì cộng đồng

Không chỉ tình nguyện trong lĩnh vực nghệ thuật, Đại úy Trần Anh Tuấn còn là một chiến sĩ công an trong lòng dân. Ngoài việc đều đặn mỗi tối thứ sáu chạy xe từ Hà Đông lên Trường Nguyễn Đình Chiểu (Lạc Trung, Hai Bà Trưng), Trần Anh Tuấn còn được biết đến như một “cảnh sát giao thông” chuyên phân luồng mỗi khi tắc đường.

“Tôi sống trên phố Thanh Bình, phường Mỗ Lao, Hà Đông. Mỗi lần đi làm từ cơ quan về nhà lại phải chứng kiến cảnh tắc đường, người dân vô cùng khổ sở. Để giúp mọi người lưu thông dễ dàng, cứ đến đấy tôi lại dừng xe xuống phân luồng. Có nhiều hôm nắng to, mưa lớn, người dân còn mang ô ra che cho tôi, những lúc như vậy tôi thường từ chối vì ô làm mất tầm nhìn của người đi đường, mọi người không thể nhìn thấy hiệu lệnh để làm theo được” - Đại úy Tuấn kể.

Cũng trong một lần đang phân luồng cho người dân qua lại trên phố Thanh Bình, anh bắt gặp vợ chồng một người khuyết tật bán chổi đang hì hụi đẩy xe hàng qua một con dốc. Tạm dừng công việc phân luồng, anh nhanh chóng chạy lại giúp vợ chồng nọ. Nhiều lần quan sát, anh lại gặp cảnh đôi vợ chồng ấy cặm cụi đẩy xe chổi nặng nhọc trên phố. Một lần, anh tiến đến trò chuyện và biết được, họ đều là xã viên Hợp tác xã Ánh Sáng (thuộc Hội Người khuyết tật quận Hà Đông). Nghe kể mỗi ngày đi bán chổi, đôi vợ chồng khuyết tật chỉ bán được 50-60 nghìn đồng, anh Tuấn hứa sẽ đi bán chổi giúp các xã viên.

Cuối tháng 3-2016, Đại úy Tuấn tìm đến Hợp tác xã Ánh Sáng và đề nghị giúp đỡ hội viên tiêu thụ chổi. Anh lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè, người thân và đồng nghiệp mua chổi. Ai đặt mua anh sẽ trực tiếp mang hàng giao tận nơi. Trọn vẹn một tháng nghỉ phép, anh rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội, khoác lên mình chiếc áo của Hội Người mù quận Hà Đông đi bán chổi.

Ông Bạch Quang Khải, Giám đốc Hợp tác xã Ánh Sáng bảo, gặp được Đại úy Trần Anh Tuấn là ông trời làm phước se duyên cho hội viên của ông. “Đại úy Tuấn trực tiếp đến hợp tác xã lấy chổi chở đi bán giúp hội viên. Thấy các hội viên khó khăn khi di chuyển, anh ấy còn chở họ đến các điểm ở trung tâm Hà Nội để bán hàng. Mới năm ngoái thôi, lượng chổi tiêu thụ được ít, nhiều hội viên phải nghỉ việc nhưng nhờ có anh Tuấn, lượng hàng bán ra tăng rất nhiều, các hội viên đã được đi làm trở lại, thu nhập của họ cũng tăng 30%. Tôi rất biết ơn Đại úy Tuấn, vì nhờ có anh, vấn đề việc làm và thu nhập của hội viên hợp tác xã chúng tôi đã thay đổi tích cực”, ông Khải xúc động nói.

Năm 2016 là một năm nhiều ý nghĩa của Đại úy Trần Anh Tuấn. Anh cùng với bạn bè vừa hoàn thành công tác bàn giao một điểm trường thuộc xã Pà Vầy Sủ, Xín Mần và một điểm trường thuộc xã Khau Vai, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Đó là thành quả của những lần kêu gọi ủng hộ, những ngày trèo đèo, lội suối đến với nhân dân vùng cao của chàng Đại úy 35 tuổi và những người bạn.

“Làm tình nguyện mọi lúc mọi nơi” - đó là phương châm sống của Trần Anh Tuấn. “Có lần tôi vào Bệnh viện trung ương Quân đội 108, gặp một bác là thương binh đang chạy thận tại đây. Thấy bác hoàn cảnh khó khăn lại lủi thủi một mình, tôi về chia sẻ với anh em đồng chí của mình. Biết được câu chuyện của bác, các bạn của tôi đã đến tận nơi thăm hỏi, tặng quà bác. Tôi nhớ lần ấy người thương binh già đã bật khóc”, anh Tuấn kể.

Trần Anh Tuấn làm từ thiện nhiều đến nỗi có người bảo anh là người không bình thường, điên, khùng, có kẻ nói anh "làm màu", muốn được nổi tiếng. Tất cả Đại úy Tuấn đều bỏ qua. Với người chiến sĩ công an ấy, được gần dân, chia sẻ những khó khăn vất vả với người dân và đồng hành cùng họ chính là mục tiêu sống anh đã chọn.

An Tâm