Sự trở lại đầy bất trắc của Nokia
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:42, 15/01/2017
Tuy nhiên, sự có mặt của những chiếc điện thoại thông minh, đặc biệt là chiếc máy tiên phong "ba trong một" theo lời cố Giám đốc điều hành Apple Steve Jobs, gồm điện thoại, máy nghe nhạc iPod, thiết bị duyệt internet vào năm 2007 đã nhanh chóng làm lu mờ các dòng máy với hệ điều hành Symbian, đồng thời khiến “ngai vàng” của Nokia sụp đổ.
Kể từ thời điểm trên, sau nhiều lần cố gắng tạo dấu ấn bằng những chiếc máy Lumia sử dụng hệ điều hành Windows Phone không mấy thành công, Nokia đã chấp nhận bán lại toàn bộ mảng sản xuất trong một thương vụ gây nhiều tranh cãi cho Microsoft với giá 7,16 tỷ USD vào năm 2013. Trong suốt gần 3 năm sau đó, hầu như cái tên Nokia vắng bóng trên thị trường điện thoại thông minh và chỉ "xuất đầu lộ diện trước công chúng" với một vài dòng máy giá rẻ như 220 hay 225 (hồi năm 2014), cùng một mẫu máy tính bảng N1 (ra mắt đầu năm 2015) sử dụng chip xử lý Intel Atom và hệ điều hành Android của Google.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, thương hiệu Nokia vẫn là cái tên có trọng lượng sau những gì đã làm được cho cộng đồng người tiêu dùng suốt gần 4 thập kỷ tồn tại. Vì thế, thông tin về sự hiện diện của Nokia 6 - chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của hãng sử dụng Android - trong khuôn khổ Triển lãm Điện tử tiêu dùng quốc tế (CES 2017) tại Las Vegas đầu tháng 1-2017 đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng công nghệ. Sự tò mò càng lên cao khi Nokia 6 ban đầu sẽ chỉ bán tại Trung Quốc (qua JD.com), một thị trường lớn và có mức độ cạnh tranh cao.
Dĩ nhiên, việc thu hút người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi vốn đã quá quen thuộc với iPhone hay Samsung Galaxy chắc chắn sẽ là một thách thức đối với Nokia tại thị trường này. Về mặt kỹ thuật, máy sở hữu cấu hình khá phổ thông với màn hình 5,5 inches sử dụng tấm nền IPS (độ phân giải Full HD), chip Qualcomm Snapdragon 430, RAM 4GB và bộ nhớ trong 64GB. Bù lại, mức giá của máy chỉ 1.699 nhân dân tệ (tương đương khoảng 5,7 triệu đồng), tức là chỉ bằng 1/4 so với một chiếc iPhone 7 Plus mới tại Trung Quốc. Đây là con số khá hấp dẫn ngay cả ở nhóm sản phẩm điện thoại Android hiện nay. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với thế hệ những người sinh trong thập niên 1990 và 2000, Nokia vẫn là thứ gì đó quá lạ lẫm bất chấp các mẫu máy nhóm này từng đạt kỷ lục số lượng bán ra tới 82,5 triệu chiếc tại Trung Quốc vào năm 2010.
Mặt khác, điều thú vị là Nokia 6 không phải được chế tạo bởi công ty điện thoại mà người tiêu dùng thường biết đến trước kia. Hiện cái tên Nokia đang thuộc quyền sở hữu của HMD Global (cũng là một công ty của Phần Lan). Kể từ khi Microsoft cắt giảm mạnh hoạt động ở mảng điện thoại vì không cạnh tranh được với các đối thủ, hãng phần mềm Mỹ đã nhượng lại thương hiệu Nokia cho HMD trong vòng 10 năm. Nói cách khác, Nokia hiện nay hầu như không có liên hệ gì về mặt kỹ thuật với các sản phẩm "huyền thoại" một thời. Trong khi đó, bằng việc bán sản phẩm đầu tay Nokia 6 tại Trung Quốc, HMD rõ ràng đã bước chân vào thị trường cạnh tranh khốc liệt hàng đầu thế giới - nơi không chỉ có Apple hay Samsung mà cả những cái tên "nặng ký" khác như Oppo, Vivo, Huawei, Xiaomi, Lenovo…
Với những khó khăn như vậy, có thể thấy rằng sự thành công của thương hiệu lừng danh Nokia trong lần quay trở lại này vẫn khó đoán định và đầy bất trắc.