Niềm vui được mùa ở Vạn Phúc

Kinh tế - Ngày đăng : 07:56, 15/01/2017

(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Đinh Dậu và đây cũng là thời điểm nông dân xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hối hả thu hoạch nông sản sau một năm lao động vất vả. Năm nay, cây ăn quả, cây cảnh được mùa, giá ổn định nên nông dân Vạn Phúc ai cũng vui.

Một vườn cam Canh, quất cảnh ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì).


Nằm ven đê sông Hồng, xã Vạn Phúc không có đất trồng lúa, 100% diện tích đất nông nghiệp được phủ kín cây ăn quả. Cuối năm, cánh đồng bãi rộng hàng trăm héc ta đâu cũng thấy màu vàng óng của bưởi, cam, quất cảnh. Càng gần đến Tết, khí thế lao động sản xuất ở đây khá tấp nập. Trên đê, ô tô tải nối nhau thu mua nông sản phục vụ Tết. Gia đình bà Nguyễn Thị Vân, thôn 2, trồng 2ha cam Canh, quất cảnh, thời điểm này đã thu được hơn 1 tấn quả với giá bán buôn tại vườn 25.000 đồng/kg. Hiện khu vườn gia đình bà Vân còn khoảng 7 tấn quả nữa, chờ giáp Tết sẽ thu hoạch nốt.

Trong khi một số gia đình đến giáp Tết Nguyên đán mới thu hoạch nông sản, thì hộ ông Nguyễn Văn Giang đã hoàn tất thu hoạch hơn 1ha cam Canh. Ông cho biết, gia đình thu được 20 tấn, bán ngay tại ruộng được 400 triệu đồng. Chưa kể 2.000 gốc quất cảnh đã có khách đặt mua, dự kiến thu thêm 300 triệu đồng. Tính ra, năm nay, gia đình ông Giang thu được 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 400 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Văn Hải, do đặc thù thời tiết năm nay ít mưa nên cây ăn quả như bưởi, cam, táo rất ngọt; giá cả ổn định, bưởi từ 40.000 đến 45.000 đồng/quả, cam Canh từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, quất cảnh khoảng 1 triệu đồng/cây. Bình quân 1ha trồng cây ăn quả đạt giá trị trên 300 triệu đồng/năm.

Xã Vạn Phúc có trên 3.300 hộ gia đình, trong đó số hộ làm nông nghiệp khoảng 1.000 hộ tập trung ở thôn 1, thôn 2. Đa số các hộ làm nông nghiệp đều thuê thêm đất để đầu tư sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Cả xã có hơn 40 hộ sản xuất quy mô lớn từ 1 đến 2ha. Để có vùng chuyển đổi hiệu quả như hôm nay, theo ông Chử Văn Hải, từ năm 2012, xã Vạn Phúc đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, cả xã đã chuyển được 90/101ha theo quy hoạch. Đối với các hộ chuyển đổi, UBND huyện Thanh Trì hỗ trợ 50% cây giống các loại (theo định mức từng cây). Để phục vụ công tác chuyển đổi gắn với xây dựng nông thôn mới, xã Vạn Phúc đã đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất...

Đất Vạn Phúc phù hợp với cây ăn quả. Tuy nhiên, không phải cứ trồng xuống là được thu mà người nông dân ở đây rất cần có thêm kinh nghiệm và kỹ thuật. Với cây bưởi, cam phải cho năng suất cao, quả ngọt, mã đẹp; với cây quất, phải có dáng thế đẹp thì mới có người mua. Để hỗ trợ nông dân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Phúc Nguyễn Văn Phước cho biết: Địa phương đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con vay vốn, nhờ vậy sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn trước nhiều. Tết năm ngoái, khi thu hoạch cam, quất, người dân ở đây phải mang nông sản đến trung tâm xã bán cho thương lái thì Tết Nguyên đán năm nay, Vạn Phúc đã có đường giao thông nội đồng khang trang, xe ô tô tải vào tận vườn để thu mua. Nông dân Vạn Phúc trồng cây ăn quả và quất cảnh chủ yếu bán buôn nên không lo “đầu ra”.

Chia sẻ thành quả lao động, ông Nguyễn Văn Phước cho biết thêm, năm hết, Tết đến, hoa trái được mùa, các gia đình ở Vạn Phúc hồ hởi đón xuân trong no ấm đủ đầy. Diện mạo của Vạn Phúc sẽ còn đổi thay ghi đậm dấu ấn, tất cả nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp…

Minh Phú