Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm xuống 12%
Kinh tế - Ngày đăng : 14:40, 18/01/2017
Tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 còn khoảng 12% hiện nay; tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức khá cao, đến cuối tháng 10/2016 đã đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân, so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010.
Tính đến cuối tháng 10/2016, cả nước có trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân. (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công nghệ thanh toán khá tiên tiến, hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, tập trung đầu tư phát triển, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tính đến cuối tháng 10/2016, toàn quốc có trên 254.000 POS và 17.379 ATM được lắp đặt, tăng lần lượt là 13,77% và 5,39% so với thời điểm cuối năm 2015.
Các dịch vụ, phương tiện TTKDTM, đặc biệt là thanh toán điện tử, được phát triển mạnh và đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán trong khu vực và trên thế giới. Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh. Tính đến cuối tháng 10/2016, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 110,8 triệu thẻ (tăng 11,36% so với thời điểm cuối năm 2015).
Được biết, Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 là 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện (Financial Inclusion); tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.