Tái hiện nghi lễ dựng cây nêu ngày Tết tại Đại nội Huế
Văn hóa - Ngày đăng : 14:04, 20/01/2017
Nghi lễ rước cây nêu. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+) |
Đây là một hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo điểm nhấn trong chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch mừng Xuân Đinh Dậu 2017, thu hút sự quam tâm của đông đảo công chúng và khách du lịch.
Nêu được dựng trong Đại Nội Huế là một cây tre già dài 15m, do các lính vệ vác cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình đảm trách. Nêu được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua phía sau điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài nhạc lễ cung đình xưa.
Tại Thế Miếu, hương án được soạn bày với các lễ phẩm cùng đoàn bồi tự và đội đại nhạc đã sẵn sàng. Các nghi thức dựng nêu lần lượt gồm lễ bái, nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh trang nghiêm của Nhã nhạc cung đình.
Tiếp đó, các lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên, báo hiệu ngày Tết đã đến trong hoàng cung. Tục dựng nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều các nước Á Đông.
Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, tục lệ này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc và tồn tại trong hàng ngàn năm nay.
Nghi lễ rước cây nêu. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+) |
Nét đặc biệt của lễ dựng nêu tại Hoàng cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc (Âm nhạc cung đình Việt Nam) và với các nghi thức rất trang trọng.
Khi cây nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu bao giờ cũng có treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi (từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng). Dưới triều Nguyễn, khi thấy trong cung dựng cây nêu, toàn thể nhân dân theo đó đồng loạt dựng nêu và bắt đầu đón Tết./.