"Brexit cứng"

Thế giới - Ngày đăng : 07:25, 21/01/2017

(HNM) - Thay vì phương án

Thủ tướng T.May công bố Anh đã lựa chọn kịch bản "Brexit cứng".



Theo bà T.May, điều này đồng nghĩa với việc Anh không muốn tìm kiếm một cơ chế thành viên hợp tác hay thành viên một phần của EU. Thay vào đó, Luân Đôn có thể trở thành một đối tác mới và bình đẳng với khối liên minh này. Nữ chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing cũng truyền đi thông điệp hợp tác với các quốc gia khác khi cam kết sẵn sàng ký kết các thỏa thuận mới với các nước trên thế giới. Để triển khai chủ trương trên, nhà lãnh đạo Anh cũng nêu lên 12 mục tiêu đàm phán với 27 nước thành viên EU, trong đó Luân Đôn sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận thuế quan mới nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch thương mại, kiểm soát biên giới và kiểm soát số lượng công dân EU sang Anh. Nước này cũng tiếp tục hợp tác an ninh với EU, duy trì khu vực đi lại chung giữa Anh và Ireland. Như vậy có nghĩa là xứ sở Sương mù có thể trở thành quốc gia độc lập trong thương mại toàn cầu, tự quyết định vận mệnh của mình, kiểm soát người nhập cư và không phải chia sẻ trách nhiệm với EU.

Quyết định “Brexit cứng” của Thủ tướng T.May có thể nhìn nhận ở hai góc độ. Trước hết, đó là sức ép từ EU. Với Anh, ưu tiên hàng đầu vẫn là hạn chế nhập cư và chấm dứt các quyền ảnh hưởng của Brussels với hệ thống lập pháp và tư pháp của xứ sở Sương mù. Trong khi đó, các nước EU lại đưa ra điều kiện rằng, nếu Anh muốn tiếp tục tiếp cận với thị trường chung Châu Âu với các ưu đãi thuế như một thành viên thì phải chấp nhận quyền tự do đi lại của công dân EU. Thế nhưng, đây là điều mà Chính phủ của bà T.May kiên quyết phản đối bởi “tự do đi lại” khiến Anh khó khăn trong kiểm soát dòng người nhập cư và đây cũng là một trong những lý do dẫn tới Brexit. Bên cạnh đó, từ lâu Anh đã luôn có những bất đồng trước những quyết sách của EU. Những người ủng hộ rời bỏ EU cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, liên minh bộc lộ nhiều bất cập làm tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm.

Bên cạnh đó, ở góc độ nội bộ, sau sự kiện trưng cầu ý dân về Brexit, đảo quốc Mù sương phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc cả trong giới quan chức lẫn người dân. Một bộ phận không nhỏ tiếp tục ủng hộ ở lại EU, thậm chí vùng Scotland còn tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu để tách khỏi Anh, rồi gia nhập EU. Ngược lại là những cử tri mong muốn chia tay dứt điểm với liên minh chính trị và kinh tế lớn nhất thế giới này. Vậy nên, một kịch bản "Brexit mềm" rất dễ thổi bùng cơn giận dữ của những người ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. Trong bối cảnh như vậy, Luân Đôn buộc phải giải quyết triệt để tình hình bằng một tuyên bố dứt khoát rằng sẽ hoàn toàn đứng ngoài EU như một đối tác độc lập và bình đẳng.

Luân Đôn tin tưởng quyết định “Brexit cứng” giúp Anh có thể toàn quyền kiểm soát dòng người nhập cư vào nước này. Về thương mại, xứ Sương mù sẽ “tự do” tìm kiếm một thỏa thuận mà Anh mong muốn với EU chứ không phải điều ngược lại. Sự tự chủ này có thể sẽ mang lại những người bạn mới, những đối tác mới. Tuy vậy, “cái mất” cũng không hề nhỏ. Theo dự đoán, “Brexit cứng” có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sụt mạnh với mức giảm mỗi năm từ 5,4 đến 9,5% trong vòng 15 năm. Mất đi quyền tiếp cận thị trường chung đồng nghĩa với việc vị trí trung tâm tài chính số 1 thế giới của Anh cũng sụp đổ. Điều đáng lo ngại là “Brexit cứng” không giúp hàn gắn sự chia rẽ trong nội bộ mà còn có nguy cơ “khoét sâu” thêm mâu thuẫn trong lòng Vương quốc Anh. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon thẳng thắn tuyên bố, kế hoạch của Luân Đôn rời bỏ EU sẽ là một thảm kịch, vì thế Scotland phải có quyền bỏ phiếu độc lập.

Tuy khẳng định nước Anh trong giai đoạn tới sẽ có một tầm nhìn hướng ra toàn cầu nhưng Thủ tướng T.May vẫn nhấn mạnh việc tách khỏi EU chứ không rời Châu Âu. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đánh giá bài phát biểu của Thủ tướng Anh đã cung cấp một bức tranh "thực tế hơn" và cho biết, 27 nước thành viên khác trong EU sẽ đoàn kết và sẵn sàng đàm phán với Anh. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố các thành viên còn lại của EU sẽ tiến hành các cuộc thương lượng với Luân Đôn trên tinh thần hòa hợp. Như vậy, nước Anh đã chọn cho mình con đường riêng. Giờ là lúc các bên chuẩn bị cho quá trình đàm phán đầy gian nan sắp tới khi Anh "kích hoạt" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3-2017.

Quang Huy