Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 07:08, 22/01/2017
Tại đây, các em được tập gói bánh chưng, làm bánh dày; chế biến các món ăn ngày Tết đặc sắc của các vùng, miền; tham quan các gian hàng thư pháp, nặn tò he, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng; chơi nhiều trò chơi dân gian như bắt vịt, đập niêu, đi cà kheo, kéo co, cầu khỉ, ô ăn quan… Toàn bộ kinh phí thu được qua “Hội chợ Tết nhân ái” được gửi tặng các bệnh nhi Bệnh viện K và quyên góp xây dựng thư viện cho Trường Bản Ngò, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Học sinh Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark trong ngày hội Tết nhân ái. |
Việc tổ chức hội chợ Tết nhằm giáo dục cho học sinh biết tự lập, hướng đến và trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc, ươm mầm yêu thương, biết chia sẻ với bạn bè còn khó khăn, là hoạt động thường xuyên của nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội như THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm), THPT Yên Hòa (Cầu Giấy)…
Có thể cảm nhận rõ không khí ấm áp, yêu thương lan tỏa; tình thầy - trò gắn kết, gần gũi nhau hơn; bạn bè biết đồng cảm, sẻ chia qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa trên tinh thần mình vì mọi người. Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa cụ thể hóa cuộc vận động “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” đã được triển khai tại các nhà trường.
Còn nhớ, cũng vào những ngày này của năm 2005, cuộc vận động "Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch" chính thức được phát động tại các trường học trên địa bàn Hà Nội. Hơn mười năm đã qua, với nhận thức rằng cuộc vận động là nhân tố quan trọng tạo sự phát triển ổn định của mỗi đơn vị trường học, nâng cao chất lượng, phẩm chất năng lực nhà giáo, xây dựng đội ngũ nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch, hơn 2.500 trường học của toàn Ngành Giáo dục Thủ đô đã tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm làm lan tỏa sâu rộng cuộc vận động.
Điểm nhấn đáng chú ý trong chặng đường vừa qua ở các nhà trường là từ khởi điểm ban đầu, đến nay, hình hài của "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch" đã được định hình rõ nét với những tiêu chí cụ thể. Đây là thước đo để từng cá nhân, mỗi nhà trường tự “soi” vào, biết điểm yếu cần bổ sung, nắm được điểm mạnh để phát huy nhằm hoàn thiện mình. Hướng theo những tiêu chí chung, mỗi nhà trường đã lựa chọn cho mình những điểm nhấn riêng, những nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung triển khai.
Ngành Giáo dục quận Long Biên xác định, muốn có nhà giáo mẫu mực, học sinh chăm ngoan, thanh lịch thì yếu tố quan trọng trước tiên là phải xây dựng một nhà trường văn hóa. Ở đó, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm góp sức cùng nhau xây dựng khung cảnh sư phạm “xanh - sạch - đẹp”. Cũng bởi vậy, những năm qua, Long Biên tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngân sách đầu tư cho việc xây dựng trường học trong 10 năm qua đạt trên 1.000 tỷ đồng. Toàn quận có 23 trường học được xây mới. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của quận đạt trên 90%, nằm trong tốp đơn vị có tỷ lệ cao nhất thành phố.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chọn việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh làm nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài các giờ học trên lớp, trường có nhiều hoạt động ngoại khóa. Đây cũng là đơn vị tham gia tích cực vào dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, xây dựng và duy trì hiệu quả phòng tham vấn tâm lý cho học sinh…
Nhìn lại chặng đường đã qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Cuộc vận động đã có sức lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục. Nền nếp, kỷ cương tại các nhà trường có nhiều chuyển biến; tình cảm đồng nghiệp, tình thầy trò gần gũi hơn; nhiều tấm gương dạy giỏi, học tốt được nhân rộng…
Đó là minh chứng khẳng định sức sống mạnh mẽ và giá trị thực tiễn của cuộc vận động “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”: Tạo nền tảng nâng cao chất lượng GD-ĐT trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.