“Cần câu” cho người nghèo ở Quốc Oai
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 22/01/2017
Nhiều hộ nghèo ở huyện Quốc Oai được tặng xe máy để phát triển kinh tế. |
Ấm lòng người nghèo
Một ngày đầu năm 2017, Hội trường UBND huyện Quốc Oai ăm ắp niềm vui. Rất nhiều người nông dân ướt nhèm trong manh áo mưa nhưng vẫn vô cùng phấn khởi. Ông Đinh Quang Chiến (62 tuổi) ở thôn Long Phú (xã Hòa Thạch), bộc bạch: 12 năm nay gia đình tôi là hộ nghèo, cố xoay xở thế nào cũng chẳng thoát nổi vì không có vốn cũng không có phương tiện làm ăn. Nguồn sống chính của 7 miệng ăn trong gia đình trông chờ vào hơn 3.000m2 đất trồng chè.
Lam lũ quanh năm mà chẳng đủ chi tiêu, chưa kể khi thời tiết không thuận lợi còn rơi vào cảnh thiếu đói. Năm rồi, các cán bộ của xã và huyện đã đến tận nhà tôi hỏi han, các anh chị ấy hỏi kỹ lắm… Sau khi thăm cơ ngơi, hiểu rõ gia cảnh, các chị ấy đã phân tích để gia đình tôi hiểu nên thoát nghèo bằng cách nào. Theo đó, tôi đã xin các cấp hỗ trợ chiếc xe máy để có phương tiện cho vợ chạy chợ. Gia đình tôi bàn kỹ rồi, vợ tôi sẽ đi bán rau ở chợ Xuân Mai vì vốn không quá nhiều mà có “tiền tươi” luôn. Có lẽ đây là cơ may lớn cho gia đình tôi.
Chị Ngô Thị Xuân (xóm 9, thôn Văn Quang, xã Nghĩa Hương) cũng tâm sự: Chồng tôi mất từ năm 2012, để lại gánh nặng cho tôi cùng 3 đứa con. Tôi làm luôn tay, tiện tằn đủ kiểu mà vẫn chẳng đủ tiền cho con ăn học. Nhà chỉ có 4 sào ruộng, tôi đã phải thuê thêm ruộng để cấy mà vẫn nghèo; vụ vừa qua lúa bị bệnh bạc lá, thu hoạch èo uột lắm. Để có tiền cho 2 con học đại học, tôi đã phải vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, vay vốn dành cho hộ nghèo, rồi vay của anh em trong gia đình… nhưng khó vẫn hoàn khó. Trước hoàn cảnh ấy, cán bộ xã và huyện đã quan tâm, tạo điều kiện tặng gia đình tôi chiếc xe máy. Có xe này, con tôi vừa học vừa đi làm thêm, cháu sẽ giúp tôi nuôi 2 cháu nó ăn học. Tôi mừng lắm cô ạ…
Cũng như niềm vui của những người được nhận xe máy, những người được hỗ trợ bò giống sinh sản cũng an tâm vì được tặng “cần câu”. Dẫn chúng tôi đến thăm một gia đình được trao bò, chị Lê Thị Khoa, cán bộ xã Đông Yên chia sẻ: Những ngày thời tiết ấm, các hộ đều tranh thủ đi chăn bò và cắt cỏ dự trữ cho những ngày Tết. Trước khi trao bò cho các hộ nghèo, chúng tôi phải khảo sát rất kỹ hoàn cảnh của họ. Phải là những hộ có người đảm đương được công việc chăn nuôi bò sinh sản, phải có quyết tâm vượt khó… thì chúng tôi mới trao. Quả đúng như lời chị Khoa, nhiều hộ nghèo coi bò sinh sản đúng nghĩa là “cần câu” bởi đó là thứ tài sản có thể sinh lời lâu dài.
Đến thăm nhà bà Trần Thị Vệ, thôn Đông Hạ (xã Đông Yên) từ lúc 10h30, nhưng phải đợi hơn một giờ đồng hồ sau bà Vệ mới dắt bò về. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 đã ngả màu thời gian, bà Vệ không giấu nổi niềm vui: “Với gia đình tôi, con bò này là tài sản quý nhất, trong mơ tôi cũng không dám nghĩ. Nhà có mẹ già 80 tuổi với một con nhỏ, mắt tôi lại kém, ốm đau thường xuyên nên cái nghèo đeo bám hết năm này qua năm khác. Từ ngày được tặng bò, lại được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò sinh sản… mẹ con tôi thấy rất yên lòng. Tôi phải cố chăm bò thật tốt để nó sớm sinh bê con…”.
Hòa chung niềm phấn khởi của ông Chiến, chị Xuân trong ngày hôm ấy còn bao người khác cũng háo hức đón chờ giờ phút được tặng “cần câu”. Đã có 747 hộ nghèo được tặng sổ tiết kiệm, 186 hộ nghèo được nhận bò giống sinh sản và đặc biệt, 28 chiếc xe máy đã được lãnh đạo huyện Quốc Oai trao đến tận tay các hộ nghèo…
Thoát nghèo bền vững
Rà soát và lên danh sách hộ nghèo theo tiêu chí, tìm nguồn tài trợ và tặng tiền cho hộ nghèo… đó là một công việc đầy ý nghĩa. Trên cơ sở số liệu tổng hợp của các xã về hộ nghèo, cận nghèo, UBND huyện Quốc Oai đã giao Phòng LĐ-TB&XH rà soát, thống kê, phân loại và đến từng hộ kiểm tra thực tế. Trưởng phòng LĐ-TB&XH Quốc Oai Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ: Khi tìm hiểu thực tế đời sống của các hộ nghèo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ chúng tôi mới biết họ cần gì.
Nhiều hộ có lao động nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất; hộ đông con nhưng không có phương tiện để đi lại, làm ăn; hộ thì thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất; hộ thì thiếu việc làm, thường xuyên ốm đau, bệnh tật… Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện áp dụng các giải pháp thiết thực nhằm giúp các hộ thoát nghèo bền vững.
Tặng xe máy cho hộ nghèo có lẽ là việc rất mới và lạ, nhưng với huyện Quốc Oai là ý tưởng xuất phát chính từ việc đến thăm từng nhà, tìm hiểu từng gia cảnh để nhắm đến đích thoát nghèo bền vững cho từng hộ. “Trước đây, cứ nói đến hộ nghèo là nghĩ ngay đến giúp họ vay vốn phát triển sản xuất, rồi dạy nghề, giải quyết việc làm…, nhưng qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hộ vì không có phương tiện đi lại nên đã ảnh hưởng đến thu nhập cho gia đình” - Trưởng phòng Phạm Thị Thanh Huyền giải thích.
Chia sẻ với chúng tôi về giải pháp đã và đang được áp dụng trên địa bàn huyện trong hai năm 2016-2017, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Trên địa bàn huyện có 2.466 hộ thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ 4,44%; 2.030 hộ cận nghèo, chiếm 3,65%, để đạt mục tiêu đạt 6 xã về đích nông thôn mới trong năm 2016 và phấn đấu huyện đạt nông thôn mới vào năm 2017, một trong những giải pháp ưu tiên được huyện Quốc Oai thực hiện là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo…
Để thực hiện mục tiêu đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động được hơn 17 tỷ đồng từ các nguồn như: Quỹ “Ngày vì người nghèo”, hỗ trợ từ ngân sách... Và một nguồn đóng góp quan trọng không thể không kể đến đó là hoạt động “lá lành đùm lá rách” của rất nhiều các doanh nghiệp trên địa bàn huyện như: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội; Công ty TNHH Long Thành; Hanel Limited Company; Công ty TNHH Xây dựng Thành An; Công ty TNHH Phú Thái Bình; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Toàn Thắng… Nhờ đó hết năm 2016, toàn huyện Quốc Oai đã có 966 hộ được giúp đỡ thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,91%.
Theo đà ấy, năm 2017 huyện Quốc Oai phấn đấu giúp thêm 800 hộ thoát nghèo bền vững… “Cần câu” hay “mồi câu” người nghèo đều cần nhưng để giúp họ thoát nghèo bền vững thì rất cần sự đóng góp thiết thực từ nguồn xã hội hóa...