Buôn bán, giết mổ gia cầm sống nhỏ lẻ: Tiềm ẩn hậu quả khó lường
Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 23/01/2017
Buôn bán, giết mổ gia cầm sống tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Băng Dương |
Nguy cơ mất vệ sinh
Có mặt tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín) những ngày giáp Tết, không khí buôn bán, kinh doanh của các hộ dân ở đây khá tấp nập. Trung bình mỗi ngày tại chợ tiêu thụ từ 50 đến 60 tấn, vào những ngày gần Tết có thể tăng 80 - 100 tấn GCS. Không chỉ ở các chợ đầu mối, chợ cóc, chợ tạm, việc kinh doanh buôn bán GCS ngày Tết cũng nhộn nhịp. Tại chợ tạm ở Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) cảnh mua bán, giết mổ GCS diễn ra tấp nập.
Theo quan sát của phóng viên, vào dịp lễ, Tết, người tiêu dùng thường có xu hướng chọn mua gà sống, sau đó thuê giết mổ tại chỗ, nên khu vực bán gia cầm trở thành điểm giết mổ tự phát. Nguy hiểm hơn chỉ với một nồi nước bắc trên bếp than, chiếc chậu nhựa cáu bẩn, khi khách có nhu cầu, tiểu thương giết mổ ngay dưới nền đất, khiến cho khu vực buôn bán GCS tại các chợ trở nên lộn xộn, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y.
Không chỉ chợ cóc, các chợ đã được quy hoạch cũng trong tình trạng tương tự khi các hộ kinh doanh lén lút đưa GCS vào và tự do giết mổ. Tại chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm) có gần 20 hộ bán gà, vịt được chia thành các ô riêng biệt, nhưng đều giết mổ ngay dưới sàn, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực trạng này, chính quyền địa phương đều biết, nhưng chưa thể dẹp bỏ được vì thói quen của người dân vẫn thích sử dụng GCS.
Chị Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương ở chợ Phùng Khoang cho biết, trước đây ở chợ chỉ có khoảng 10 hộ bán GCS, nhưng vào dịp lễ, Tết nhu cầu mua của người dân rất lớn nên số người buôn bán mặt hàng này cũng tăng theo. Hơn nữa, nếu không giết mổ tại chỗ thì khách hàng không mua. Bà Bùi Thị Vui, một bà nội trợ cho biết, dù biết việc mua gà sống và giết mổ ngay tại chợ không bảo đảm vệ sinh nhưng do ngại mang về nhà nên đều nhờ người bán giết thịt luôn. Hơn nữa, người tiêu dùng phải tận mắt chứng kiến gà còn sống, thịt tươi mới yên tâm.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Tình trạng buôn bán giết mổ GCS ngay tại chợ không chỉ là thói quen có hại mà hệ lụy là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Trong khi đó, việc kiểm dịch GCS tại chợ ngày thường gặp nhiều khó khăn, ngày Tết đến còn khó khăn gấp bội khi về cơ bản các ngành chức năng mới chỉ kiểm soát dựa vào cảm quan thông qua việc quan sát tình trạng của gia cầm chứ chưa có máy móc hay thiết bị kiểm tra nhanh, nên việc chẩn đoán sai vẫn có thể xảy ra.
Trạm trưởng Trạm Thú y quận Hà Đông Nguyễn Đình Tiến cho biết, mặc dù thành phố đã có lệnh cấm bán GCS và giết mổ ở chợ nội thành, nhưng do thói quen của người dân, trong khi đó ở các phường đều thiếu cán bộ phụ trách thú y, dẫn tới việc kiểm tra, xử lý, lập biên bản các trường hợp vi phạm chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Do đó, để chỉ đạo của thành phố đi vào cuộc sống tốt hơn, chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng công an kiên quyết xử lý các điểm buôn bán GCS ở chợ cóc, chợ tạm, kiên quyết tịch thu, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật các đối tượng vi phạm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, việc giết mổ GCS ngay tại chợ như hiện nay khiến cho sản phẩm thịt đến tay người tiêu dùng không bảo đảm chất lượng. Vì vậy, để bảo vệ người tiêu dùng trong dịp Tết, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát, kiểm dịch các xe chở gia cầm ở ngay từ các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô. Cùng với đó, Ngành Thú y quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ tại các cơ sở giết mổ tạm thời, đặc biệt là các chợ kinh doanh sản phẩm gia cầm không bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, qua đó xử lý các hành vi vi phạm, nhất là đối với trường hợp buôn bán GCS không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về sử dụng GCS có nguồn gốc xuất xứ, giết mổ công nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm được bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích thay vì ra chợ mua GCS, cảm quan tươi nhưng thực chất chứa nhiều vi khuẩn có hại, đặc biệt là giết mổ ngay tại nền đất, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tới sức khỏe cần được làm thường xuyên hơn.