Nan giải “bài toán” môi trường ở Phú Xuyên
Đời sống - Ngày đăng : 06:21, 23/01/2017
Kênh tiêu xã Tri Thủy, Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) trở thành nơi chứa chất thải làng nghề giết mổ gia súc. |
Ô nhiễm nghiêm trọng
Xã Tri Thủy và Quang Lãng có nghề giết mổ gia súc, trung bình khoảng 1.000 con/ngày. Theo người dân xã Tri Thủy, giết mổ một con trâu, bò cần khoảng 2m3 nước. Như vậy, lượng nước thải sau giết mổ ở hai địa phương trên đã lên đến hàng nghìn mét khối. Điều đáng nói là trong khoảng 100 hộ làm nghề giết mổ gia súc ở đây thì chỉ một hộ có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; số hộ còn lại chưa có công trình, xả thẳng ra cống rãnh, chảy vào kênh mương xung quanh làng, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Dịp cuối năm, các lò giết mổ gia súc tại xã Quang Lãng và Tri Thủy của huyện Phú Xuyên hoạt động mạnh, kéo theo ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này đang là bài toán khó đối với huyện Phú Xuyên.
Ngoài ô nhiễm không khí, nguồn nước, các lò mổ còn khiến nhiều người sinh sống xung quanh bị mất ngủ do tiếng ồn từ sản xuất và sinh hoạt gây ra. Bởi thời gian hoạt động của các lò mổ trùng vào giờ nghỉ của nhân dân, bắt đầu từ 23h hôm trước đến 2-3h sáng hôm sau.
Đặc biệt, thời điểm hiện tại, do nhu cầu thị trường tăng cao nên nhiều lò mổ ở đây phải tăng công suất hoạt động, số lượng trâu, bò bị giết thịt nhiều gấp hai, ba lần so với ngày thường. Tình trạng nhiều hộ vứt bỏ xương, nội tạng lẫn phân trâu, bò ra các tuyến đường liên thôn, liên xã, gây ô nhiễm môi trường các địa phương lân cận…
Loay hoay xử lý
Thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Tri Thủy và Quang Lãng rất nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe nhân dân nhưng đến nay cả xã Tri Thủy, Quang Lãng và huyện Phú Xuyên chưa tìm được giải pháp khắc phục triệt để, ngoài việc tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành quy định bảo vệ môi trường và chờ doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn.
Theo các quy trình xử lý chất thải thì để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm do hoạt động giết mổ gia súc, giải pháp hiệu quả nhất là xây dựng khu sản xuất và xử lý môi trường tập trung. Được biết, hiện nay huyện Phú Xuyên đã quy hoạch 3ha, UBND thành phố đã duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm tập trung tại xã Tri Thủy, Quang Lãng. Dự án được giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư.
Nhưng do nhiều năm công ty này không triển khai nên vừa qua UBND thành phố đã chấm dứt hoạt động của dự án; đồng thời giao UBND huyện Phú Xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kêu gọi doanh nghiệp có tiềm năng để đầu tư xây dựng công trình. Từ đó đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào đầu tư thực hiện dự án. Còn các chủ lò mổ cho rằng, đầu tư hệ thống xử lý đạt chuẩn chi phí khoảng 15 tỷ đồng là quá tốn kém so với khả năng của họ.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, ngày 17-1, xã Tri Thủy đã bố trí lực lượng chốt chặn các điểm ra vào thôn Bái Đô; đồng thời gửi công văn đề nghị các xã Quang Lãng, Minh Tân, Khai Thái, Bạch Hạ, Phúc Tiến phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng đổ trộm phế thải, phụ phẩm trâu, bò ra các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường...
Từ thực tế trên cho thấy, để bảo vệ môi trường, xã Quang Lãng, Tri Thủy cần phối hợp cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ giết mổ gia súc thực hiện quy định bảo đảm nguồn gốc trâu, bò trước khi đưa vào giết mổ; yêu cầu phải xây bể lắng, bể xử lý nước thải trong quá trình giết mổ…
Huyện Phú Xuyên cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động buôn bán, giết mổ trâu, bò tại các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, tạm thời; xây dựng kế hoạch quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện; có lộ trình đóng cửa, đình chỉ hoạt động của các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; chủ động tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện dự án xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung…