Bất cập quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai

Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 23/01/2017

(HNM) - Sau hơn 2 năm triển khai Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT), nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa lập Quỹ PCTT, nếu có thì công tác quản lý cũng bất cập.

Công tác quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai cần có hướng dẫn cụ thể nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Ảnh: Thái Hiền


Nhiều vướng mắc

Kết thúc năm 2016, toàn quốc mới có 49 tỉnh, thành phố thành lập cơ quan quản lý Quỹ PCTT. Trong đó, 32 tỉnh, thành phố đã tiến hành thu quỹ, với tổng số tiền là 508 tỷ đồng; 16 tỉnh, thành phố sử dụng quỹ để chi hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, tu sửa khẩn cấp công trình PCTT, xây dựng kịch bản ứng phó bão mạnh, siêu bão… với tổng kinh phí hơn 112 tỷ đồng.

Như vậy, mục đích chính của việc thành lập quỹ là để huy động tối đa nguồn lực xã hội phục vụ công tác cứu trợ, hỗ trợ khắc phục, ứng phó, phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai… chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị định 94/2014/NĐ-CP (Nghị định 94) của Chính phủ ban hành ngày 17-10-2014, về việc thành lập, xác định đối tượng miễn giảm, mức đóng góp Quỹ PCTT...

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Lê Như Tuấn cho biết: Trong các đối tượng thu thì khoản đóng góp của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn. Ngành Thuế là cơ quan nắm vững nhất các thông tin về doanh nghiệp thông qua việc kê khai thuế hằng năm, tuy nhiên, Nghị định 94 chưa đề cập trách nhiệm của ngành này trong công tác lập kế hoạch và tổ chức thu.

Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Thành Lý, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết: Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn (ngân hàng, viễn thông…) có chi nhánh hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhưng không đóng góp cho Quỹ PCTT tại địa phương, vì trụ sở chính của những đơn vị này đóng tại các thành phố lớn và đã nộp Quỹ PCTT tại nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Bên cạnh đó, Nghị định 94 cũng chưa có chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức kinh tế hạch toán độc lập không nộp quỹ hoặc nộp quỹ không đúng thời gian quy định…

Theo phản ánh của nhiều địa phương khác, hiện nay chưa có sự thống nhất chung về mẫu kế hoạch thu chi, mẫu phiếu thu, biểu mẫu báo cáo tài chính theo định kỳ và hằng năm… gây khó cho công tác quản lý quỹ. Đối với các nội dung chi, Nghị định 94 cũng chưa ban hành các định mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện.

Cần hướng dẫn cụ thể

Để thực hiện hiệu quả Nghị định 94, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Công đề nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn. Trong thông tư nên quy định rõ phải có cơ quan quản lý quỹ cấp huyện và văn phòng thường trực đặt tại phòng NN&PTNT, phòng kinh tế cấp huyện. Vì cơ quan quản lý Quỹ PCTT cấp huyện sẽ thực hiện rất nhiều hoạt động liên quan đến công tác phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Công, về cơ chế, chính sách cho bộ máy quản lý Quỹ PCTT các cấp, thông tư phải thể hiện rõ mức phụ cấp kiêm nhiệm (theo phần trăm lương hay định mức khoán) và chi phí hành chính cho bộ máy này ở các cấp. Đối với nội dung chi, quy định tại Điều 9 của Nghị định, cần cụ thể hóa bằng số tiền cụ thể để các địa phương dễ thực hiện. Chẳng hạn như: Chi cho các hoạt động tập huấn, diễn tập… nên quy định rõ mức chi cụ thể cho từng hoạt động.

Trong những vướng mắc các địa phương phản ánh có nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT và vượt khuôn khổ của Nghị định 94. Để giải quyết, Cục PCTT đã tham mưu cho Tổng cục Thủy lợi đề xuất Bộ NN&PTNT tổ chức rà soát, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị định 94, tiến tới báo cáo Chính phủ sửa đổi những bất cập, để công tác thu Quỹ PCTT đạt hiệu quả và bảo đảm đúng kế hoạch giao, có kinh phí hỗ trợ kịp thời cho nhân dân và các tổ chức, đơn vị bị thiệt hại do thiên tai…

Kim Văn