Chủ động với các “kịch bản” về TPP

Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 23/01/2017

(HNM) - Tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn đang ngổn ngang, với khả năng Mỹ không tham gia gần như là chắc chắn.

Nếu TPP không có Mỹ, lợi ích của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ không đạt kỳ vọng hoặc suy giảm lợi thế vì không được gỡ bỏ thuế quan. Thấy rõ nhất là ở mặt hàng dệt may và gạo xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Doanh nghiệp (DN) nước ngoài có thể sẽ tạm dừng hoặc giảm mức đầu tư vào các dự án dệt may tại Việt Nam như dự định đón lõng TPP (theo kịch bản vẫn có Mỹ tham gia) vì cũng không được ưu đãi.

Cùng với đó, một số sản phẩm của Trung Quốc, như: Dệt may, thép, xi măng… sẽ tạo sức ép cạnh tranh với sản phẩm của Việt Nam. Việt Nam vẫn có tiềm năng tiếp tục đà xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhờ cơ cấu hàng hóa của hai nước khác biệt, bổ sung cho nhau, không có sự đối kháng trực tiếp. Nhưng ngược lại, Mỹ cũng có thể đưa ra một số rào cản kỹ thuật thương mại, áp đặt thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.


Dệt may là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng khi Mỹ không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Bá Hoạt.


Để tiếp tục duy trì xuất khẩu, giữ thương hiệu và sự hiện diện trên thị trường Mỹ, các DN sẽ phải có giải pháp ứng phó thích hợp. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may cho biết, từ năm 2017, các đơn vị sẽ tập trung hơn cho hoạt động sáng tạo, xây dựng thương hiệu riêng để nâng giá trị gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu; nỗ lực giữ vững thị trường truyền thống, đồng thời phát triển các thị trường mới. Đây sẽ là hướng đi dài hạn, hướng tới sự thay đổi về chất của sản phẩm dệt may bằng cách tham gia vào chuỗi giá trị hàng dệt may, thay vì chỉ gia công cho đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài Mỹ, TPP vẫn còn nhiều thành viên khác và đây vẫn là cơ hội lớn cho Việt Nam. Cùng với chủ động theo dõi tình hình, nghiên cứu và áp dụng biện pháp ứng phó hữu hiệu với cả hai kịch bản có hoặc không có Mỹ tham gia TPP, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới. Đến thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến vẫn lạc quan tin rằng TPP sẽ ra đời, dù có Mỹ tham gia hay không, là cơ hội lớn cho DN Việt thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô kim ngạch, lợi nhuận khi xuất khẩu hàng hóa…

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), việc tham gia TPP tạo ra lợi thế về giá cho hàng xuất khẩu của Việt Nam đối với hàng cùng loại của các nước không tham gia TPP. Điều này giúp xác lập ưu thế rõ rệt, trực tiếp thúc đẩy làn sóng sản xuất hàng hóa để xuất khẩu trong cộng đồng DN. Đồng thời, DN Việt sẽ có thêm cơ hội huy động vốn đầu tư thay đổi công nghệ, cải thiện chất lượng và giá bán hàng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nói cách khác, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi sản xuất - giá trị toàn cầu.

Ngược lại, Việt Nam cũng có thể nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất đồng bộ từ các thành viên TPP đang sở hữu công nghệ nguồn và tiên tiến, như: Nhật Bản, Singapore, Australia với giá phải chăng.

Thực tế đó sẽ bù đắp kịp thời cho “thói quen” nhập khẩu hàng từ Trung Quốc, cũng như giúp giảm bớt tình trạng nhập siêu, mất cân bằng kéo dài trong quan hệ thương mại với thị trường này. Cũng qua nhập khẩu từ các thành viên TPP, Việt Nam sẽ có dịp tiếp thu, làm chủ các công nghệ mới, phương thức sản xuất hiện đại, để cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm - là điều kiện tiên quyết để hội nhập quốc tế.

“Tham gia TPP là thời cơ để Việt Nam cải cách thể chế về quản lý kinh tế, đưa hoạt động quản lý nhà nước tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua từng bước cải cách, sức cạnh tranh và chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ gia tăng, thúc đẩy làn sóng đầu tư và hoạt động kinh doanh từ DN quốc tế”.

TS Lê Đăng Doanh

Hồng Sơn