Sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp: Đào tạo không theo nhu cầu

Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 24/01/2017

(HNM) - Thống kê mới nhất về việc làm cho thấy, trong số hơn 1,1 triệu người thất nghiệp trong cả nước hiện nay, nhóm có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao - hơn 202 nghìn người. Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, song hơn ai hết, Ngành GD-ĐT và các trường đại học là những nơi đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi đào tạo không theo nhu cầu của xã hội.

Phát triển đào tạo nghề là giải pháp bảo đảm việc làm ổn định cho thanh niên thay vì học đại học mà không có định hướng rõ ràng. Trong ảnh: Đào tạo nghề cho sinh viên tại Trường Đại học Công nghiệp.Ảnh: Nhật Nam


Thừa bằng, thiếu chuyên môn


Theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, rất nhiều người có bằng cử nhân nhưng không đáp ứng được nhu cầu công việc của các doanh nghiệp tuyển dụng, dẫn tới tình trạng thừa người có bằng cấp nhưng thiếu người có trình độ chuyên môn tương ứng. Bên cạnh đó, có tới 65% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng không tuyển dụng được lao động phù hợp. Do vậy, nhiều doanh nghiệp có xu hướng tuyển lao động để đào tạo từ đầu vì cho rằng như vậy hiệu quả hơn việc đào tạo lại người có bằng cấp. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã thừa nhận thực tế này thông qua cảnh báo gửi tới lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học: Lao động Việt Nam đứng trước nguy cơ thua ngay trên “sân nhà” khi lao động các nước lân cận như Philippines, Malaysia tràn sang còn lao động Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu làm việc chân tay.

Nguyên nhân trước tiên phải kể đến là các trường chủ yếu đào tạo dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, năng lực dự báo thị trường lại hạn chế khiến đầu ra không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhu cầu nhân lực lại liên tục thay đổi do sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế. Trong khi đó, công tác tư vấn hướng nghiệp còn chưa được chú trọng và ít phát huy hiệu quả. Để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên cũng như nâng cao chất lượng đầu ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường cần phải thay đổi trong mối quan hệ với các đối tác, trực tiếp là doanh nghiệp. Ngay cả các trường đã có uy tín cũng không thể ngồi một chỗ đợi doanh nghiệp tìm đến mà phải tăng tính cạnh tranh trong thị trường tuyển dụng.

Việc các trường tuyển sinh ồ ạt, chú trọng vào số lượng trong khi cơ sở vật chất khó khăn và đội ngũ giảng viên còn yếu cũng là nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo khó cải thiện. Tỷ lệ tiến sĩ trung bình trong cả nước chỉ chiếm 17% tổng số giảng viên, tỷ lệ này được cho là quá thấp, chưa đủ bảo đảm chất lượng đào tạo đại học. Cũng bởi khó khăn về cơ sở vật chất nên nhiều trường chỉ mở ngành ít tốn kém, không cần phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, phần lớn là dạy chay, học chay. Nguồn cung của các ngành này thường vượt cầu, dẫn tới dư thừa nhân lực.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, thị trường đang thừa rất nhiều nhân lực các ngành như: Kế toán, tài chính, ngân hàng… Bên cạnh đó, kinh phí cho đào tạo sinh viên ở Việt Nam hiện nay cũng ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực, trung bình là 13 triệu đồng/sinh viên/năm. Con số này chỉ bằng 1/17 của Malaysia, 1/15 của Singapore hay 1/20 của Hồng Kông. Nguồn thu hạn hẹp càng khiến nhiều trường tập trung vào tuyển thêm sinh viên, dẫn tới vượt chỉ tiêu và càng khó cải thiện chất lượng dạy và học.

Để nâng dần chất lượng đào tạo, một trong các giải pháp mà Bộ GD-ĐT đề ra là quy hoạch lại mạng lưới, sắp xếp hệ thống các trường đại học và xây dựng các trường trọng điểm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trước mắt, Bộ đã có chủ trương quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo sư phạm để sinh viên ra trường thích nghi tốt hơn với thị trường. Bên cạnh đó, các trường cũng nên chọn những ngành có chất lượng cao để tập trung đầu tư thay vì đầu tư dàn trải hàng chục ngành đào tạo.

Hướng tới tự tạo việc làm

Nhiều thanh niên đã thành công với nghề thủ công truyền thống thay vì bước chân vào giảng đường đại học. Trong ảnh: Đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ tại làng nghề Duyên Thái. Ảnh: Thái Hiền


Nếu như những yếu tố liên quan tới quản lý và bảo đảm chất lượng đã nhiều lần được các chuyên gia lý giải và đề xuất giải pháp thì gần đây, vấn đề sinh viên cần chủ động, tự tạo việc làm được nhắc đến nhiều hơn, đặc biệt là gắn với tinh thần khởi nghiệp.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, lâu nay, sinh viên Việt Nam thụ động với việc học, thường nhắm vào một công việc có sẵn, vốn chỉ thích hợp với giáo dục nghề nghiệp. Trong khi sinh viên đã tốt nghiệp đại học cần có kỹ năng để tự tạo ra công việc. Ông Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho biết: Kết quả kiểm định chất lượng từ 20 trường đại học của Việt Nam trong năm 2016 cho thấy, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp, tự tạo việc làm, khởi nghiệp chỉ chiếm 1%. Sinh viên khó có việc làm bởi yếu về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm.

Điều này đòi hỏi các trường phải đổi mới cách thức đào tạo để sinh viên ra trường có tính chủ động cao, tự tạo việc làm cho bản thân và cho những người khác. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi kinh tế không phát triển mạnh, số việc làm không thay đổi nhiều thì việc trang bị cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp có thể giải quyết căn bản vấn đề thất nghiệp. Đặc biệt, để hội nhập với thị trường lao động trong khu vực, sinh viên phải trang bị tốt kỹ năng ngoại ngữ.

Với tinh thần này, mới đây Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT soạn thảo, xây dựng Đề án “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”. Định hướng của Đề án là tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tinh thần khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học, tự tạo việc làm cho bản thân trên nền tảng các kiến thức, kỹ năng được học tại trường. Như vậy, cơ sở giáo dục đại học vẫn là cái nôi của sáng tạo, khởi nghiệp bên cạnh trách nhiệm trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. 

Khánh Vũ