Đưa hàng hóa về ngoại thành trong dịp Tết: Người dân và doanh nghiệp hào hứng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 24/01/2017

(HNM) - Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa phục vụ tiêu dùng, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh tích cực đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng ngoại thành, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa.

Người dân tham quan các sản phẩm được bày bán tại hội chợ Xuân huyện Mỹ Đức (Hà Nội).Ảnh: Hà Loan


Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở Công Thương đã tổ chức các hội chợ bán hàng Việt phục vụ nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đối với các quận nội thành, hiện có 12 DN tham gia. Ở khu vực ngoại thành, Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức khai mạc 5 hội chợ Tết ở các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, thị xã Sơn Tây và Khu công nghiệp Đông Anh, đồng thời tổ chức hơn 100 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ nhân dân.

Có quy mô hơn 100 gian hàng/hội chợ, với sự tham gia của 70-80 DN, cơ sở sản xuất, hộ làng nghề, các hội chợ đã mang đến cho người tiêu dùng hàng hóa thiết yếu, như thực phẩm, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, sản phẩm dệt may, đồ gia dụng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản vùng miền… bảo đảm chất lượng, cùng nhiều chương trình khuyến mãi thiết thực. Để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công Thương đã yêu cầu các DN tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trên địa bàn.

Ngay trong ngày khai mạc, các hội chợ Tết đã thu hút hàng trăm lượt người dân tham gia. Bà Nguyễn Thị Mai (thị trấn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức) nhận xét, hàng hóa tại hội chợ dồi dào, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, nhưng trên hết là thấy yên tâm về nguồn gốc, chất lượng. Chị Tô Thị Thơm (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) cho biết, ở khu vực ngoại thành ít khi có các sự kiện như hội chợ Tết để người dân được tham gia, nên bà con rất hào hứng. Hội chợ không chỉ là dịp để chị cùng gia đình có thể mua sắm những mặt hàng chuẩn bị cho ngày Tết, mà còn là cơ hội để gia đình cho các con đi chơi cuối tuần.

Không chỉ người dân hào hứng với hội chợ Tết, mà các DN tham gia chương trình cũng rất phấn khởi trước sự quan tâm của người dân. Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Siêu thị Hiền Lương (huyện Ứng Hòa) chia sẻ, đáp ứng đúng nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán, hàng hóa bày bán của siêu thị chủ yếu là giỏ quà Tết nhỏ phục vụ nhu cầu biếu, tặng, với mức giá từ 140.000 đến 170.000 đồng/giỏ. “Qua nhiều năm tham gia hội chợ Tết tại các huyện ngoại thành, người dân ngày càng quan tâm, phấn khởi khi mua được những mặt hàng do DN trong nước sản xuất, yên tâm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả lại hợp túi tiền” - bà Lương nói.

Nhìn khách đứng chật kín gian hàng, chị Hà Ngọc Thanh, nhân viên cửa hàng bánh kẹo Hải Hà vui vẻ chia sẻ, DN không ngờ sự quan tâm của nhân dân với hàng Việt lại lớn đến vậy. Mong rằng, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức nhiều hơn những chuyến đưa hàng về nông thôn, các hội chợ, không chỉ trong dịp Tết, để DN có cơ hội quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm đến gần hơn với người dân nông thôn.

Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, sự đón nhận của người dân đã chứng tỏ hiệu quả của chương trình đưa hàng về ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, đồng thời hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, có được đầu ra ổn định. Tuy nhiên, để hàng Việt chiếm lĩnh sâu hơn thị trường nội địa, bên cạnh sự nỗ lực của Ngành Công Thương, thì các DN cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hệ thống phân phối, nhất là tại khu vực ngoại thành.

Thanh Hiền