Thêm kênh truy xuất thực phẩm an toàn
Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 25/01/2017
Giám sát bằng tem điện tử
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 3.000 tấn rau củ các loại, mỗi năm con số này lên đến khoảng 1 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ 25% lượng rau này được sản xuất tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trong năm 2016, qua công tác kiểm tra mẫu rau tại 3 khu vực (sản xuất, cơ sở chế biến kinh doanh và chợ đầu mối) trên địa bàn, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh phát hiện 1,8% rau củ vẫn còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong đó, tỷ lệ mẫu rau củ còn tồn dư thuốc BVTV tại 3 chợ đầu mối nông sản của thành phố có biểu hiện tăng cao (0,64%) so với năm 2015. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT người tiêu dùng vẫn rất khó để nhận diện được sản phẩm nào là rau củ an toàn.
Do đó, Sở NN&PTNT trên cơ sở thỏa thuận giữa UBND TP Hồ Chí Minh với CLB Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA Việt Nam) triển khai mô hình sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc rau an toàn trên địa bàn. Mô hình là một trong những mục tiêu của kế hoạch phát triển rau an toàn trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 của UBND TP Hồ Chí Minh. Theo bà Lê Thị Nghiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh), trong thời gian thí điểm giai đoạn 1 (đến hết tháng 3-2017), mô hình sẽ áp dụng thí điểm truy xuất nguồn gốc đối với 18 sản phẩm rau củ của 94 hộ nông dân thuộc 2 hợp tác xã (HTX) Phú Lộc (huyện Củ Chi) và Phước An (huyện Bình Chánh).
Mỗi sản phẩm sẽ được gắn một con tem duy nhất chứa mã QR phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc. Mỗi con tem chứa mã QR sẽ có giá khoảng 100 đồng, do đó giá cả sẽ không tăng cao so với giá thị trường. Trước mắt, 2 HTX tham gia thí điểm sẽ cung cấp trên 10 tấn rau củ/ngày cho các hệ thống siêu thị như Co.opMart, Big C, Lotte, AEON,…
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch DAA Việt Nam, người sản xuất muốn tham gia vào quy trình này thì phải giải trình các quy trình an toàn cho từng mặt hàng, từng thửa ruộng canh tác. Định kỳ hoặc đột xuất, các chuyên gia của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh và DAA Việt Nam sẽ theo dõi từ thửa ruộng để kiểm định sản phẩm, nếu an toàn mới cấp số lượng tem theo đúng năng lực sản xuất. Dù tem QR được in trực tiếp tại các HTX, hệ thống (FoodTrace) cũng sẽ có những cảnh báo nếu như người sản xuất in lại tem đã được sử dụng, là cơ sở để tiếp tục hoặc ngưng hợp đồng tham gia vào mô hình đối với người sản xuất.
Người tiêu dùng có thể kiểm tra tất cả các thông tin từ công đoạn sản xuất, sơ chế, đóng gói, đơn vị vận chuyển và hệ thống siêu thị trên sản phẩm rau củ bằng ứng dụng, phần mềm quét mã QR code trên điện thoại thông minh. Các thông tin nói trên được số hóa vào hệ thống FoodTrace. |
Tiến tới kiểm soát toàn bộ nguồn gốc rau
Đánh giá về mô hình sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc rau an toàn, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là một trong những giải pháp giúp người tiêu dùng biết được những thông tin về sản phẩm rau củ an toàn. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc cho biết, trong thời gian thí điểm sẽ lắp đặt máy tại các điểm bán lẻ để người dân có thể truy xuất tại chỗ. Tới đây, Sở sẽ tiếp tục lựa chọn thêm các nhà sản xuất, HTX nông nghiệp tham gia vào chương trình.
Giải thích về việc Sở Công Thương và Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cùng thực hiện song song 2 chương trình thí điểm truy xuất nguồn gốc khác nhau mà không đưa về cùng một đầu mối, bà Cúc cho rằng các chương trình và mô hình đều ở trong giai đoạn thí điểm, tất cả đều chưa hoàn thiện. Trong quá trình vận hành sẽ có nhiều vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh, thay đổi nên chưa thể thống nhất, quy về một mối ngay được. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi kết thúc thí điểm giai đoạn 1 vào tháng 3-2017, Sở NN&PTNT sẽ đánh giá lại hoạt động của mô hình, tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp cùng Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh mời các siêu thị, hệ thống bán lẻ thực phẩm trên địa bàn thành phố tới tham quan tìm hiểu, nếu các đơn vị này có nhu cầu tham gia mô hình hoặc tăng số lượng sản phẩm rau củ thì sẽ làm việc trực tiếp với các HTX để tăng sản lượng rau củ có dán tem truy xuất. Đây cũng là bước tạo đà cho giai đoạn 2 của mô hình, từ tháng 4 đến hết năm 2017 sẽ tiến hành mở rộng quy mô trên toàn địa bàn thành phố. Đồng thời, cũng theo ông Nguyễn Phước Trung, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh lân cận để đảm bảo mô hình truy xuất được ứng dụng đối với hầu hết các sản phẩm rau củ quả nhập vào thành phố trong thời gian tới.