Chỉ thị 01: An toàn hệ thống ngân hàng phải được đặt lên hàng đầu
Tài chính - Ngày đăng : 07:18, 25/01/2017
Ảnh minh họa. (Nguồn: VPBank) |
Thông điệp nổi bật trong chỉ thị của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước về định hướng 2017 là tăng cường hơn nữa an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như các nhiệm vụ chung của ngành trong cho vay, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và giám sát rủi ro.
Trong năm 2017, để kiểm soát chặt theo định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện cơ chế xem xét giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng thành viên, trên cơ sở đảm bảo định hướng tăng trưởng chung và theo năng lực, tình hình tài chính cụ thể.
Năm 2017 cũng là năm trọng tâm của hệ thống, bắt đầu triển khai đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu chung, toàn hệ thống phải tiếp tục kiểm soát được nợ xấu một cách bền vững và thực chất dưới 3% tổng dư nợ. Thực hiện mục tiêu này, yêu cầu tăng cường kiểm soát nợ xấu phát sinh, tăng cường công tác xử lý nợ xấu và tăng cường hơn nữa nguồn lực dự phòng rủi ro.
Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Các tổ chức tín dụng cần rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay; niêm yết công khai các loại phí và mức phí được thu theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức tín dụng cũng phải thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của về lãi suất huy động và cho vay, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, để kịp thời đề xuất những giải pháp tăng cường kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, Chỉ thị 01 cũng yêu cầu các đầu mối chức năng của Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án chống đô la hóa và vàng hóa; quản lý chặt chẽ hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, nhất quán với mục tiêu quản lý nợ nước ngoài của quốc gia; triển khai đề án định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường vàng phù hợp với điều kiện thực tế để chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ vào sản xuất kinh doanh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác được Thống đốc yêu cầu là tiếp tục theo dõi, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc và thực hiện thu hồi nợ cho vay tái cấp vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa như cơ chế bảo lãnh tín dụng thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình cho vay bình ổn giá tại các địa phương.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.../.