Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2017: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật
Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 25/01/2017
Những nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2017, Thành ủy Hà Nội sẽ thực hiện 2 cuộc kiểm tra và một cuộc giám sát chuyên đề. Dự kiến ngay trong quý II, Thành ủy Hà Nội sẽ thành lập 8 đoàn kiểm tra việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Sang quý III, Thành ủy sẽ thành lập 8 đoàn giám sát do các đồng chí Thường trực Thành ủy và một số Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy dẫn đầu làm việc với một số quận, huyện, thị ủy và các sở, ban, ngành, một số xã, phường, thị trấn.
Nội dung đợt giám sát này tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đợt giám sát sẽ xem xét các vấn đề gắn với thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” theo kết luận của Thường trực Thành ủy. Đặc biệt, đến quý IV, Thành ủy Hà Nội sẽ thành lập 16 đoàn kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với việc thực hiện Chương trình 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Ảnh: Bá Hoạt |
Trên đây đều là những nội dung trọng tâm, trọng điểm đang được trung ương tập trung chỉ đạo, dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Cũng theo yêu cầu của Thành ủy Hà Nội, các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên trên lĩnh vực chuyên môn và địa bàn được phân công phụ trách.
Thành ủy Hà Nội xác định, công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề và thường xuyên của các cấp ủy đều sẽ tập trung vào những vấn đề trọng yếu, dễ sai phạm như: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, dự án, công tác cán bộ, những tổ chức Đảng có vấn đề nội bộ, để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, mất đoàn kết; đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, thông qua kiểm tra, những tổ chức, cá nhân vi phạm phải xử lý hoặc đề xuất xử lý kỷ luật nghiêm minh, những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự đề xuất chuyển cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và kết quả xây dựng chi bộ, đảng bộ làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Nghiêm túc, đồng bộ
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã và đang chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay từ tháng đầu năm 2017. Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam đều cho biết, hai quận đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” gắn với công tác cán bộ.
Theo lãnh đạo Quận ủy Hoàn Kiếm, ngay trong tháng đầu tiên của quý II, quận sẽ triển khai giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Đạt Thuyên thì khẳng định, trong năm nay huyện sẽ tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”, công tác quản lý đất đai và xây dựng nông thôn mới… Có thể thấy, nội dung kiểm tra, giám sát năm 2017 có sự thống nhất cao từ thành phố xuống các cấp ủy trực thuộc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Quận ủy Hà Đông Nguyễn Trường Sơn cho biết, UBKT Quận ủy sẽ nỗ lực làm tốt công tác tham mưu kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Bài học kinh nghiệm là phải xác định đúng đối tượng kiểm tra, chú trọng vào những tổ chức Đảng có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, đảng viên giữ các vị trí công tác dễ phát sinh vi phạm. Còn theo Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Long Biên Vũ Thị Thân, quận sẽ lựa chọn một số nội dung trọng tâm, một số lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trật tự đô thị, trật tự xây dựng… để kiểm tra, giám sát.
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh cho rằng, để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cần nắm vững 5 phương pháp cơ bản. Đó là dựa vào tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy tinh thần tự giác của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh; khi tiến hành kiểm tra, giám sát cần có sự phối hợp với các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan.
Còn cấp ủy đảng khi lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng cần nắm chắc 7 yêu cầu nhiệm vụ. Nổi bật là cần tập trung nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giám sát phải mở rộng; kỷ luật phải công minh, chính xác, kịp thời; trọng tâm là kiểm tra đảng viên, tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Đồng chí khẳng định, cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng bộ thành phố sẽ đem hết tinh thần và nghị lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được giao với tinh thần “Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật”.