Háo hức chờ đón thời khắc giao niên

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 07:24, 26/01/2017

(HNM) - Mỗi dịp Tết đến xuân về, kiều bào Việt ở khắp nơi trên thế giới lại nô nức trở về quê hương để được đón thời khắc giao niên trong không khí đoàn viên ấm áp. Nhiều người nước ngoài có tình cảm đặc biệt với Việt Nam cũng không bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu phong tục cổ truyền thông qua các hoạt động mừng xuân.



Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội Người Việt tại Odessa (Ukraine): Mong được trở về quê hương để đón Tết



10 năm trở lại đây, dù công việc bận rộn, song năm nào tôi cũng thu xếp về Việt Nam ăn Tết. Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều người con đất Việt khác, dù đang làm ăn ở bất cứ đâu, đều mong muốn trở về sum vầy với gia đình để đón cái Tết cổ truyền dân tộc. Những bà con không có điều kiện về nước trong dịp này cũng đều cố gắng có mâm cỗ thắp hương tổ tiên, ông bà với đầy đủ bánh chưng, bánh tét, dưa hành và những món ăn truyền thống khác để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Ở Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam cũng phối hợp với các hội người Việt tổ chức các buổi gặp mặt mừng xuân để bà con có dịp trao đổi, giao lưu và chia sẻ những vất vả, buồn vui trong cuộc sống. Những năm qua, dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do bất ổn chính trị kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế và công việc kinh doanh của người Việt tại đây, song với tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, cộng đồng người Việt ở Ukraine đã phần nào vượt qua được giai đoạn khủng hoảng. Không những vậy, bà con vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước bằng những hành động thiết thực như quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung, ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa…

Chị Kiều Linh, Việt kiều Mỹ: Không thể thay thế được cảm xúc khi ăn Tết ở quê hương


Cũng phải mười mấy năm nay tôi mới được ở Hà Nội những ngày giáp Tết. Hà Nội bây giờ khác quá. Đường sá đông đúc hơn, cuộc sống hối hả hơn. Ở Mỹ, hầu như năm nào tôi cũng mời bạn bè đến nhà ăn bữa tất niên. Đêm Giao thừa ở Việt Nam, chúng tôi cùng gọi điện thoại về cho mẹ, nhưng lúc ấy là 12h trưa ở Mỹ, cảm giác khác lắm. Cũng có bánh chưng, hoa đào, cành quất nhưng không khí thì chỉ như những bữa tiệc bình thường khác. Tôi có giải thích đến thế nào, nấu món gì, bạn bè cũng không thể hiểu đầy đủ về cái Tết Việt. Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dù có đầy đủ mọi thứ, nhưng không thể thay thế được cảm xúc khi ăn Tết ở Việt Nam.

Anh Hồ Quý Đôn, Việt kiều Đức: Tết có ý nghĩa hơn khi ở Việt Nam


Tôi được nghe bố mẹ kể về Tết cổ truyền của quê hương rất nhiều, nhưng khi được tận mắt chứng kiến không khí Tết tại Việt Nam tôi mới thấy hết ý nghĩa thực sự của ngày lễ quan trọng này. Trong những ngày cuối cùng của năm, mọi người đều bận rộn hoàn thành nốt những công việc để kết thúc năm cũ và sắm sửa, trang hoàng lại nhà cửa để đón năm mới. Ở bên Đức những ngày này, gia đình tôi hay làm bánh chưng tặng bạn bè nhưng không khí không bằng ở Việt Nam. Là một người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, những người trẻ như tôi không có nhiều cơ hội tiếp xúc nhiều với những nét văn hóa cổ truyền của Việt Nam. Do đó, tôi mong rằng, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài sẽ tạo thêm nhiều điều kiện cho những người Việt trẻ được hiểu thêm và trải nghiệm nền văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, qua đó thêm hiểu và gắn bó hơn với nguồn gốc của mình.

Ông Toru Kinoshita, Quốc tịch Nhật Bản, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam: Gìn giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc

Ở Nhật Bản, chúng tôi không ăn Tết theo lịch âm như các bạn mà theo dương lịch và ngày 1-1 hằng năm sẽ là dịp năm mới nhưng thời tiết vẫn vô cùng lạnh giá, thậm chí băng tuyết vẫn che phủ suốt cả tháng. Nếu tổ chức Tết theo âm lịch, mùa xuân sẽ đến đúng hẹn hơn. Vào tháng 2, hoa mận sẽ nở và đến tháng 3 sắc hoa anh đào tràn ngập Nhật Bản, báo hiệu mùa xuân về. Dù vậy, trong thời gian ở Việt Nam, tôi nhận thấy người dân hai nước có khá nhiều điểm tương đồng trong dịp đón mừng năm mới. Mọi người trang hoàng nhà cửa, cùng làm những món ăn truyền thống và ghé thăm họ hàng người thân. Tại Hà Nội những ngày vừa qua khi Tết Nguyên đán đang tới gần, không khí phố phường đã có sự thay đổi rõ rệt. Mọi người đi lại ngoài đường hết sức tất bật, phố xá đông đúc. Đào, quất và nhiều loại hoa được bày bán tạo nên một vẻ đẹp rực rỡ và lãng mạn hiếm thấy. Việt Nam là một nước đang phát triển và Thủ đô Hà Nội cũng ngày càng mang dáng dấp của một đô thị hiện đại hơn. Tuy nhiên, việc các bạn vẫn giữ được những nét truyền thống trong dịp Tết cổ truyền như vậy là việc hết sức đáng trân trọng, rất cần gìn giữ và phát huy.

Anh Yari Vys, Quốc tịch Ukraine, huấn luyện viên thể hình đang làm việc tại Việt Nam: Háo hức trải nghiệm Tết Việt



Đây là lần đầu tiên tôi được đón Tết cổ truyền tại Việt Nam. Ngày lễ này của các bạn có những nét tương đồng cũng như khác biệt đặc trưng với dịp Giáng sinh và đầu năm mới của chúng tôi. Đây là một dịp lễ lớn nhất trong năm, nên mọi người đều coi trọng khoảng thời gian này, ai cũng dành sự chuẩn bị kỹ càng nhất cho gia đình. Chúng tôi cũng trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị các món ăn và dành thời gian gặp gỡ bạn bè và người thân. Tuy nhiên, do hai nền văn hóa khác nhau nên cũng có những khác biệt dễ thấy. Thay vì cây thông hay cây tầm gửi để trang hoàng nhà cửa trong dịp Giáng sinh, ở Việt Nam nhiều người chọn mua cây đào, cây quất theo phong tục. Ngoài ra tôi cũng được trải nghiệm không khí ở chợ hoa Hàng Lược, chợ hoa Nhật Tân. Điều làm tôi rất ấn tượng là ngày lễ cúng ông Công, ông Táo. Hy vọng khi Tết đến, tôi sẽ được trải nghiệm khi đi thăm gia đình Việt Nam và sẽ được thử nhiều món ăn như bánh chưng chẳng hạn.

Nhóm phóng viên