Xuân no ấm trên bản Mường

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:33, 26/01/2017

(HNM) - Khi những cây đào rừng bung hoa sắc thắm thì mỗi gia đình người Mường ở các bản làng thuộc vùng miền núi huyện Thạch Thất cũng hoàn tất những công việc đồng áng cuối cùng để đón xuân mới trong niềm vui no ấm, đủ đầy.

Phụ nữ Mường (xã Yên Trung) trong ngày hội cồng chiêng mừng xuân.



Rộn ràng đón Tết

Con đường ĐT-446 nối từ quốc lộ 21 chạy xuyên qua các xã Tiến Xuân, Yên Bình vào đến điểm cuối cùng là bản Mường Đầm Bối thuộc xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) dài khoảng 15km được thảm nhựa phẳng lỳ, rộng rãi. Chạy xe bon bon, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những bản làng yên bình xa xa giáp chân núi. Những ngôi nhà nhấp nhô hiện ra trong bạt ngàn màu xanh núi rừng đẹp như một bức tranh phong cảnh hữu tình. Dừng chân ở thôn Đầm Bối dưới chân dãy núi Vua Bà, một khu vực cận kề với tỉnh Hòa Bình, chúng tôi thực sự phấn khởi trước sự đổi thay về cơ sở hạ tầng ở nơi bản Mường xa xôi, cách trở này. Còn nhớ cách đây khoảng 4 năm, những con đường này vẫn chỉ là đất, mưa thì trơn trượt, lầy lội, nắng thì ổ trâu ổ gà ngổn ngang, giờ thay vào đó là lớp thảm bê tông phẳng phiu.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là gia đình ông Nguyễn Văn Thiết. Lối đi từ cổng vào nhà tinh tươm, ngăn nắp; phía trong ngôi nhà được gia chủ dọn dẹp sạch sẽ. Nói về phong tục đón Tết của người Mường, ông Thiết chia sẻ: “Tết thực sự bắt đầu từ ngày 27-28 tháng Chạp, thể hiện quan niệm “ngày lui tháng tới” của người Mường”. Ông Thiết kể rằng, cùng với việc ăn Tết như người Kinh, người Mường có lịch riêng gọi là sách Đoi. Lịch này được xây dựng trên cơ sở quan sát chuyển động của sao Đoi (hay còn gọi là sao Thần Nông). Lịch làm bằng 12 thẻ tre. Mỗi thẻ là một tháng, trên đó khắc đủ ngày trong tháng và có đánh dấu ngày tốt, ngày xấu. Căn cứ vào sách Đoi, khoảng từ 25, 26 tháng Chạp hằng năm, người Mường nghỉ việc đồng áng ở nhà để lo Tết. “Cả nhà chung tay lo gạo, củi, lợn, rượu… Trong dịp Tết người Mường uống các loại rượu như rượu trắng, rượu cần, rượu nếp… nên việc chuẩn bị khá công phu. Bánh Tết thì chủ yếu là bánh chưng và bánh giầy. Nếu so sánh giữa ăn Tết và chơi Tết, thì người Mường nghiêng về chơi Tết nhiều hơn. Chúng tôi đánh cồng chiêng dịp đầu năm mới để cầu mong sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, rồi chơi các trò chơi truyền thống như đẩy gậy, bóng chuyền, ném còn, bắn nỏ…” - ông Thiết chia sẻ.

Tạm biệt gia đình ông Thiết, chúng tôi sang thăm gia đình anh Nguyễn Văn Nam đúng ngày nhà anh mổ lợn để đón Tết. Người Mường xưa vẫn quan niệm trong dịp Tết mỗi nhà thường tổ chức một bữa cơm thịnh soạn nhất để dâng lên tổ tiên và thần thánh, bữa cỗ gọi là làm Tết. Nếu gia đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp Tết thì được coi là ăn nên làm ra, tổ tiên vui mừng, con cháu hoan hỉ, cỗ bàn đầy đặn, cửa nhà sáng sủa. Ngày nay, người Mường ở Yên Trung đã đủ đầy, no ấm nên nhà nào cũng nuôi một con lợn, một đàn gà từ đầu năm để cuối năm mổ thịt đón Tết. Người Mường Đầm Bối thường có truyền thống mổ lợn “đụng” vào ngày Tết. Tùy theo trọng lượng của con lợn sẽ quyết định số lượng người chung nhau để bảo đảm đủ thực phẩm cho ngày Tết. Tết này nhà anh Nam mổ con lợn 70kg và sử dụng toàn bộ: “Một nửa tôi bảo quản trong tủ lạnh, sẽ sử dụng trong dịp Tết, nửa còn lại tôi ướp muối theo cách truyền thống người Mường vẫn làm từ xưa đến nay để ra Giêng dùng dần”. Chị Lê Thị Lợi, vợ anh Nam cũng đã nghỉ công việc đồng áng trước đó mấy ngày để đi chợ sắm Tết.

Niềm vui no đủ

Không giấu nổi tự hào, Chủ tịch UBND xã Yên Trung Đinh Công Tuân “khoe” với chúng tôi, năm 2016 Đảng bộ và nhân dân xã Yên Trung đã phấn đấu hoàn thành xã chuẩn nông thôn mới. “Chưa khi nào người Mường ở đây đạt được thành tựu lớn đến vậy. Sự kiện lịch sử này đến đúng dịp đón Tết Nguyên đán nên người dân càng phấn khởi” - ông Tuân quả quyết.

Còn nhớ hơn 8 năm về trước, khi các xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân, Đông Xuân hợp nhất về Hà Nội, Yên Trung khi đó được coi là “nghèo nhất Thủ đô”, thậm chí thôn Hương, thôn Hội chưa có điện. Thế mà giờ đây đã trở thành xã nông thôn mới, điện đường trường trạm được đầu tư đồng bộ, hiện đại. “Thành tựu lớn nhất là hệ thống đường giao thông đã đi vào đến những ngõ ngách xa nhất, chạy đến chân núi, xuyên qua các quả đồi” - ông Tuân nhấn mạnh. Những năm tháng đằng đẵng trước kia người dân phải băng đồi, lội suối, dắt xe đi bộ vào bản giờ đã chấm dứt, thay vào là những con đường phẳng lì, xe chạy bon bon. “Đúng là giấc mơ đã thành hiện thực” - ông Hoàng Xuân Thiệp, một người dân xã Yên Trung năm nay bước sang tuổi 82 hồ hởi nói.

Rời Yên Trung, chúng tôi đến xã người Mường Yên Bình. Trước đây khi hợp nhất về Hà Nội, Yên Bình được coi là “giàu nhất”. Đúng như danh xưng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Yên Bình là một trong những xã miền núi đầu tiên của TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Tết này người Mường nơi đây tiếp tục đón một cái tết no đủ, đầm ấm khi những cánh đồng hoa ly, hoa cúc, ớt… lại được mùa, cho giá trị kinh tế cao. Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần, trong giai đoạn từ 2012 đến nay, một loạt công trình được xây dựng đồng bộ như Trung tâm Văn hóa thể thao xã, hệ thống trường học, đường giao thông… đã làm thay đổi diện mạo quê hương. Những tuyến đường liên thôn trước đây từng đi lại rất khó khăn như Lụa, Vao, Cò, Thạch Bình, Thung Mộ, đường liên xã chợ Cò đi Yên Trung… đều đã được nâng cấp.

Đặc biệt là các công trình thủy lợi như hồ chứa nước Gốc Si, các tuyến mương, vai thuộc thôn Dục, Thuống, Lụa, Dân Lập cũng được cải tạo đồng bộ. Đáng nói hơn, Yên Bình giờ đã trở thành vùng chuyên canh trồng hoa ly, hoa loa kèn lớn của huyện Thạch Thất, cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Cánh đồng hàng chục héc ta ở thôn Dân Lập, Thung Mộ giờ được phủ lên tấm áo mới bởi màu sắc tươi thắm của những vườn hoa trải dài, những cánh đồng ớt xanh ngắt. Bà Ngô Thị Vân, một hộ dân trồng ớt ở thôn Thung Mộ, cho biết: Thu nhập từ trồng ớt vụ đông đạt giá trị từ 8 đến 10 triệu đồng/sào. Nông thôn mới không chỉ mang lại đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp mà còn giúp người dân nâng cao đời sống. Từ chỗ quanh năm chỉ biết trồng ngô, trồng lúa, đến nay người dân Yên Bình đã biết trồng rau an toàn, trồng hoa… cho thu nhập cao.

Chia sẻ niềm vui đồng bào Mường ở 3 xã miền núi Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân đạt được khi đã cán đích xã chuẩn nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn, cho biết: Đây là nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân ba xã có đồng bào Mường huyện Thạch Thất. “Tới đây chúng tôi tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, nhất là mở rộng các mô hình đã, đang đạt hiệu quả như trồng rừng, trồng rau an toàn, trồng hoa, trồng ớt xuất khẩu… để tiếp tục nâng cao đời sống người dân” - ông Hoàn khẳng định.

Chí Kiên