Buồn, vui thị trường nông sản cuối năm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 26/01/2017

(HNM) - Chỉ còn một ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, thị trường nông sản, thực phẩm đang vào độ nhộn nhịp. Mặc dù nhu cầu mua sắm của người dân tăng, nhưng do nguồn cung dồi dào nên thị trường tương đối ổn định và giá cả thấp hơn so với mọi năm.

Người dân mua sắm ở hội chợ hoa, cây cảnh.



Hàng hóa phong phú, giá cả hợp lý

Năm nay, do thời tiết nắng nóng, nên người dân có xu hướng mua sắm chậm hơn so với mọi năm vì sợ hoa héo, thực phẩm khó bảo quản. Chị Lê Thị Huyên, tiểu thương ở chợ Xanh Văn Quán (Hà Đông) cho biết, chỉ từ ngày 27 Tết, sức mua mới tăng, mỗi ngày cửa hàng của chị bán được từ 1 đến 2 tạ cam Canh, giá cao hơn 5-10% so với các ngày trước đó nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Tết năm ngoái. Các mặt hàng rau, củ, thực phẩm giá đều ổn định, thậm chí giá thịt còn thấp hơn so với mọi năm. Khảo sát của PV Báo Hànộimới tại các siêu thị, chợ dân sinh cho thấy, giá các loại rau xanh, không có sự chênh lệch quá lớn so với ngày thường. Cụ thể, rau cải đang bán với giá từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, su hào khoảng 4.000 - 8.000 đồng/củ, rau muống 5.000 - 7.000 đồng/kg, mồng tơi 5.000 - 9.000 đồng/kg, hành củ có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Bắc, tiểu thương ở chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) cho biết: Các loại rau ăn lá, rau thơm, hành củ phục vụ cho ngày Tết giữ giá ổn định, một số loại rau còn có giá thấp hơn 5% so với Tết năm ngoái.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, dù nhu cầu của người tiêu dùng tăng hơn 20% so với ngày thường nhưng giá vẫn ổn định. Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho biết, nguồn cung thịt năm nay dồi dào với nguồn dự trữ trên 1 triệu tấn, trong đó có 200.000 tấn thịt gia cầm, thịt bò trong nước và gần 40 tấn nhập khẩu, còn lại là thịt lợn. Đến thời điểm hiện tại, sức mua có tăng, nhưng giá các loại thịt năm nay đều giảm hơn so với Tết 2016. Khảo sát tại các chợ truyền thống cho thấy, giá thịt bò phổ biến từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg, thịt gà ta khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg nên rất dễ mua. Chị Bùi Thị Thủy ở quận Thanh Xuân nhận định, năm nay, các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán ở các chợ cũng như siêu thị phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại khác nhau với giá cả hợp lý, khiến cho việc sắm Tết của người dân bớt căng thẳng hơn so với các năm.

Sức mua giảm

Trong khi các thương lái và người tiêu dùng phấn khởi vì mua được giá thấp, nguồn cung dồi dào thì người sản xuất các mặt hàng nông sản, thực phẩm lo lắng vì giá giảm mạnh, không có lãi. Có mặt tại xã Yên Sở (Hoài Đức) ngày 27 tháng Chạp, tuy không khí mua bán tại ruộng có sôi động hơn trước nhưng số lượng xe ra vào vận chuyển giảm nhiều so với mọi năm. Ông Nguyễn Văn Lan ở xã Yên Sở cho biết, với diện tích 6 sào trồng phật thủ, vụ Tết năm 2016, gia đình ông thu được hàng tỷ đồng, nhưng năm nay sản lượng kém và sức mua giảm, nên đến 27 Tết mà ông mới bán được gần 500 triệu đồng. Với giá thấp hơn khoảng 10% so với năm ngoái, các chủ vườn hầu như không có lãi.

Dù được mùa nhưng người trồng cam Canh thu nhập kém hơn nhiều so với năm trước bởi thời tiết mùa đông năm nay không rét khiến mã cam xấu, giá thấp. Bên cạnh đó, các loại hoa quả ngoại nhập cũng khá phong phú khiến người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn và cam Canh không còn ở vị trí "đầu bảng" như những năm trước. Các chủ vườn bán cho thương lái tại vườn với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, loại 1 chỉ được 35.000-40.000 đồng/kg. Người trồng cam thất thu, may ra hòa vốn.

Không chỉ đối với các hộ sản xuất nông sản, năm 2016 là một năm đầy nhọc nhằn với người chăn nuôi. Ông Phạm Văn Đông ở Sóc Sơn chia sẻ: Trang trại có 500-600 gà ta thả vườn đến kỳ xuất chuồng, mọi năm thời điểm này là đã bán buôn hết cho thương lái, dọn chuồng, rắc vôi bột để chuẩn bị ra Tết vào vụ nuôi mới. Tuy nhiên năm nay, mới bán được 400 con. Không bán được hết, mỗi ngày trang trại chịu lỗ 3-4 triệu đồng tiền cám cho gà ăn. Đối với các hộ chăn nuôi lợn thì gần như phá sản. Tuy mấy ngày giáp Tết, giá thịt lợn hơi xuất chuồng có tăng lên 30.000 đồng/kg do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết tăng (cao hơn 4.000 đồng/kg so với đầu tháng 1), nhưng với giá này người nuôi vẫn chịu lỗ 1 triệu đồng/1 con lợn.

Ngọc Quỳnh