Bản sắc tạo nguồn lực

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:54, 28/01/2017

(HNM) - Doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức hay doanh nghiệp ở các nước phát triển khác đều có bản sắc riêng của mình. Còn doanh nghiệp Việt Nam có bản sắc gì?

Ảnh: Vũ Long


Vậy nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì? - Đó là đánh giá, đồng thời là vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp tại lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10-11 và phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. 

Cũng có thể xem đây là một “đầu bài” với lực lượng doanh nhân cả nước. Tìm ra “lời giải” thực không phải chuyện dễ dàng.

Trong một xã hội có truyền thống “trọng nông”, hoạt động thương mại ít phát triển, lực lượng doanh nhân nước ta sinh sau đẻ muộn hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Những đặc trưng, tập tính của một cộng đồng doanh nghiệp, tuyệt đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế về quy mô, yếu về tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, đã không ít lần được đề cập ở diễn đàn, hội thảo, đó là tư duy manh mún, làm ăn chụp giật, yếu về khả năng liên kết, thích kiểu “xin - cho”...

Dù vậy, thị trường cũng đã xuất hiện nhiều thương hiệu có chỗ đứng đĩnh đạc, xét cả ở tầm quốc tế. Như FPT đậm nét “Tôn trọng cá nhân - Tinh thần đổi mới - Tinh thần đồng đội”. Như VNPT với slogan “VNPT - Cuộc sống đích thực”. Như Vinamilk “Trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người”. Như Vietnam Airlines với biểu tượng bông sen vàng... Vậy thì đâu là mẫu số chung, mang tính đại diện cốt lõi, để được coi là “văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam”?

Cái mẫu số chung ấy tự nó không thể không liên hệ một cách mật thiết với ngọn nguồn truyền thống dân tộc, đó là lòng yêu nước, nhân ái, tinh thần cộng đồng, khoan dung, cần cù, giản dị, khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, ý chí tự lực, tự cường. Nhìn vào trong ăm ắp những đúc kết của ông cha, có thể thấy rất nhiều điều có thể ứng dụng vào hoạt động quản trị. Chẳng hạn, người xưa dạy: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Ở góc nhìn quản trị, đó chính là việc liên kết doanh nghiệp, lại càng có ý nghĩa trong điều kiện 97% doanh nghiệp nước ta là nhỏ và vừa, với những khả năng đã đề cập ở trên. Đến chuyện chữ tín trong hoạt động giao thương, có thể soi chiếu từ lời dạy: “Nói lời phải giữ lấy lời. Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Còn “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” là một “tư vấn” hữu ích về tiết kiệm nguồn lực, đặc biệt là tài chính. Và tinh thần lá lành đùm lá rách đặt ra những vấn đề đáng để suy ngẫm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng...

Văn hóa là con người. Văn hóa doanh nghiệp gắn liền với yếu tố con người. Văn hóa của một doanh nghiệp bao hàm văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân. Văn hóa của cộng đồng doanh nghiệp chỉ có thể mang tính bản sắc, với những tiêu chí đặc thù, khi cộng đồng doanh nghiệp tiếp thu những giá trị truyền thống, tích hợp lại và điều chỉnh thích ứng với quá trình hội nhập.

2. Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10-11 và phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặt ra rất nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm. Văn hóa, bản sắc văn hóa, tự nó, trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền bỉ, mạnh mẽ và lâu dài cho mọi hoạt động, trong đó có đời sống của cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết 33-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Do đó, phải thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa quan điểm đó, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hóa, con người”; để từ đó, “làm cho giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững”.

Cụ thể thêm một bước, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng văn hóa trong kinh tế; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương.

Đó là “đơn hàng” đặc biệt với doanh nghiệp, “đơn hàng” vừa mang tính yêu cầu vừa mang tính định hướng.

3. W.Chan Kim và Renée Mauborgne trong cuốn “Chiến lược đại dương xanh” (một ấn phẩm nổi tiếng của Trường Kinh doanh Havard) đã đúc kết rằng luôn có những không gian, khoảng trống cho sự sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp. Vẫn quan điểm này song ở góc nhìn khác, có thể nói dù sinh sau đẻ muộn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể xây dựng thành công văn hóa của từng doanh nghiệp, từ đó tạo dựng thành bản sắc của cả cộng đồng. Có thể xem Israel - lập quốc năm 1948, có cộng đồng doanh nghiệp non trẻ nhưng đầy tính đột phá, sáng tạo, năng động là một nguồn cảm hứng.

“Nét văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là gì?”. Đó có thể là tín nghĩa, tận tụy, trách nhiệm. Đó có thể là sáng tạo, tự cường... Tự thân mỗi doanh nghiệp sẽ tìm ra “đáp án” cho câu hỏi ấy và cả cộng đồng doanh nghiệp gom góp, vun đắp thành bản sắc văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Mà muốn vậy, mỗi doanh nghiệp phải vượt qua những nhược điểm, tập tính cố hữu như lối làm ăn chộp giật, manh mún, nhỏ lẻ, nặng quan hệ thân hữu... Cũng không thể không nói “không” với những mô hình thâm dụng năng lượng, không thân thiện với môi trường; thiếu, thậm chí quay lưng với trách nhiệm xã hội.

Chỉ khi đó, cộng đồng doanh nghiệp mới tạo dựng được bản sắc và từ đó, biến nó thành nguồn lực nội sinh bền vững.

Bình Nguyên