Những Dấu ấn đột phá
Chính trị - Ngày đăng : 08:11, 28/01/2017
Quang cảnh kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.Ảnh: Viết Thành |
Đổi mới mạnh mẽ
Với tinh thần làm việc dân chủ, thẳng thắn, kỳ họp mở đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới dù chỉ diễn ra trong 8 ngày làm việc (từ 20 đến 29-7), tập trung phần lớn thời gian cho công tác nhân sự cấp cao, nhưng đã để lại dấu ấn đậm nét trong cử tri cả nước. Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định quyết tâm sẽ cùng với các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phấn đấu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Tinh thần đó đã lan tỏa, thấm sâu trong hoạt động nghị trường. Cử tri đánh giá cao tinh thần nhìn thẳng vào sự thật: Quốc hội đã chỉ ra yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực; những hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường do vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) gây ra… Với trách nhiệm trước cử tri cả nước, các vấn đề quốc kế dân sinh đã được các ĐBQH thảo luận nghiêm túc. Từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ rà soát các dự án có thể gây ô nhiễm môi trường để xử lý nghiêm. Đây cũng chính là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trong bài phát biểu nhậm chức: Không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Kỳ họp thứ hai, cụm từ “đổi mới - sáng tạo - hành động” tiếp tục được cụ thể hóa bằng những hoạt động sôi động. Ông Vũ Mão, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa IX, X, XI cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã để lại ấn tượng đặc biệt, từ cách chất vấn đi thẳng vào trọng tâm của 35 lượt đại biểu với những lĩnh vực nóng bỏng nhất, chứa đựng nhiều thách thức nhất mà cuộc sống đang đặt ra. Từ những câu trả lời thẳng thắn về những bất cập đang tồn tại đến thái độ kiên quyết của Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ trong xử lý các dự án thua lỗ, hướng bảo vệ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước, không để đất nước trở thành thị trường tiêu thụ hàng nước ngoài, về phương án thanh toán “khuyết tật”: Phạt cho tồn tại, phình biên chế; quy hoạch lại mạng lưới đại học, siết chặt chất lượng cả đầu vào, đầu ra... Tất cả đã tạo nên sự cộng hưởng, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp, tìm ra được tiếng nói đồng thuận trong giải quyết các vấn đề đặt ra của đất nước.
Trên cơ sở đó, lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Những khó khăn bởi hạn hán, lũ lụt, sự cố môi trường đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương chung tay giải quyết. Những hạn chế, yếu kém, những "căn bệnh" của guồng máy nhà nước và xã hội được nhận diện, đánh giá chính xác và từng bước, từng việc đã có phương hướng, giải pháp khắc phục.
Đây cũng là kỳ họp đạt kỷ lục về số lượng nghị quyết được thông qua, nhiều nội dung quan trọng được cụ thể hóa bằng các đạo luật. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo rất sát nhu cầu của cuộc sống, Quốc hội cũng đã có quyết định nhạy bén: Dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đặc biệt, Quốc hội chưa thông qua dự án Luật về Hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, do các dự án luật này còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Sự kiên quyết của Quốc hội nhằm bảo đảm tính khả thi của các dự án luật đã giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.
Một Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ
Những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp, mở ra một nhiệm kỳ mới với những thay đổi quan trọng, trước hết đó là chuyển dần Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận và tranh luận trong tất cả các phiên họp. Sự tranh luận này không nhằm “vạch lá, tìm sâu” mà hơn hết là vì một Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ, giám sát sát sao đối với hoạt động của Chính phủ. Mỗi tiếng nói của đại biểu đều là vì lợi ích của nhân dân, tiếng nói của cử tri.
Góp phần nâng cao chất lượng phiên thảo luận về các vấn đề quan trọng của đất nước, theo bà Lê Thị Thuận (ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) là cách điều hành linh hoạt của Đoàn Chủ tịch. Chủ tịch Quốc hội đã hướng đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm, còn ý kiến khác nhau, những vấn đề bức xúc của xã hội. Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) rất tâm đắc với cách điều hành này, tuy cách làm mang tính "kỹ thuật" nhưng giúp cho chương trình nghị sự có trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu ứng tốt.
Nhờ đó, nghị trường Quốc hội “nóng” lên với không khí tranh luận, đi đến cùng vấn đề. Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, điểm mạnh của hình thức này là vấn đề đưa ra chất vấn không bị "trôi" đi hoặc bị vấn đề khác phủ lên. Thực tế, tranh luận đã không chỉ diễn ra giữa ĐBQH với cơ quan soạn thảo, thành viên Chính phủ mà tranh luận còn diễn ra giữa các ĐBQH với nhau, qua đó càng tạo điều kiện cho Quốc hội đi sâu và làm sáng tỏ các nội dung cả bao quát lẫn cụ thể.
Qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn ĐBQH về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế ưu tiên tranh luận cần tiếp tục phát huy. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đồng ý nghiên cứu tăng thời gian chất vấn lên 3 ngày từ kỳ họp thứ ba diễn ra trong năm 2017 và nhấn mạnh thêm, tất cả lời hứa của các thành viên Chính phủ phải được nhắc nhở, có báo cáo kết quả sớm và công khai.
Tuyên thệ và hành động, nói đi đôi với làm - Quốc hội, ĐBQH đã theo đuổi vấn đề đến cùng. Cử tri hoan nghênh, tin tưởng, kỳ vọng đội ngũ lãnh đạo mới của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục có những đột phá mới trong chỉ đạo, điều hành và lãnh đạo đất nước; mở ra một thời kỳ mới, đưa nước ta tiếp tục phát triển ổn định, vững chắc trong giai đoạn hội nhập và phát triển sâu rộng.