Đầu xuân tản mạn về Đạo Mẫu
Văn hóa - Ngày đăng : 16:07, 29/01/2017
Tôn thờ thiên nhiên
Ai đi lễ phủ, đền hẳn đều quen hình ảnh ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu, bao gồm Mẫu Đệ nhất Thượng Thiên, Đệ nhị Thượng Ngàn, Đệ tam Thoải phủ. Ngoài ra, còn có Đệ tứ Địa phủ.
Mỗi một Thánh Mẫu cai quản một phủ của hệ thống Tứ phủ với: Thiên phủ cai quản bầu trời và gió, mây, mưa, sấm, chớp; Nhạc phủ trông coi rừng núi; Thủy phủ (Thoải phủ) gồm miền sông nước. Còn Địa phủ quản lý đất đai, tượng trưng cho sự sinh sôi nhưng khi sang hệ thống Mẫu thì quản lý các linh hồn. So với các phủ và mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Thoải phủ thì Địa phủ ít được quan tâm hơn. Vì vậy, trong hệ thống Tứ phủ cha ông ta thường phân tách là: Tam phủ + Địa phủ. Hiện giờ trong văn khấn vẫn thường dùng câu "Tam Tứ phủ" chứ không dùng "Tam phủ" hay "Tứ phủ" riêng biệt. Trong khi, hệ thống mẫu thường chỉ nhắc tới Tam tòa thánh mẫu.
Sở dĩ người Việt tôn thờ các hiện tượng thiên nhiên xuất phát từ đời sống lao động sản xuất gắn liền với nông nghiệp, phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thiên nhiên. Nơi cung cấp nước tưới tiêu, nguồn sản vật, thực phẩm phong phú phục vụ cuộc sống… Mặt khác, có thể do tập quán lao động gắn liền với nông nghiệp, vai trò của người phụ nữ quan trọng hàng đầu nên việc thánh hóa Mẫu thể hiện sự biết ơn và tôn kính của người Việt với thiên nhiên.
Thánh hóa những mẫu người cụ thể
Dẫu coi trọng thiên nhiên, nhưng con người vẫn là trọng tâm. Có lẽ vì vậy mà thiên nhiên đã cụ thể hóa gắn liền với những con người/mẫu người điển hình trong đời sống.
Chẳng hạn, Thánh Mẫu Đệ nhất Thiên Tiên (Thượng Tiên) được tôn thờ phổ biến nhất là Mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền bà là Đệ nhị Quỳnh Hoa công chúa con vua Ngọc Hoàng, ba lần giáng trần. Lần đầu giáng vào nhà họ Phạm ở Ý Yên, Nam Định; lần hai giáng vào nhà họ Lê ở Vụ Bản, Nam Định; lần ba giáng trần tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Ngoài ra, bà còn hiển linh giúp dân giúp nước.
Thánh Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn vốn là Công chúa Thiên Thai. Đền thờ chính Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) còn lưu: Bà tên là Lê Thị Kiểm, vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày, cai quản vùng Đông Cuông. Khi thác, dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai, hữu ngạn Sông Hồng; còn bà và con trai được thờ tại Đông Cuông, tả ngạn sông Hồng. Hai nơi thờ tương diện, cách bởi con sông, biểu tượng cho sự ngóng chờ, thủy chung.
Tương truyền Ông Hoàng Mười là con Vua Cha Bát Hải Động Đình giáng trần giúp dân. Có nhiều dị bản, được biết nhiều nhất là hóa thân thành danh tướng Nguyễn Xí thời vua Lê Thái Tổ, có công đánh tan giặc Minh, được giao trấn giữ Nghệ An.
Ông Hoàng Bảy con Đức Vua Cha giáng trần thành con thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn. Thời Lê Cảnh Hưng, ông có công đánh đuổi giặc phương Bắc. Trấn giữ vùng biên ải Bảo Hà, ông còn chiêu dụ các thổ hào địa phương, đón người Dao, Thổ, Nùng lên khẩn điền lập ấp.
Cô Đôi Cam Đường vốn là hai cô gái đảm đang buôn bán ở Đình Bảng, Bắc Ninh được giao nhiệm vụ đóng giả người buôn vải lên vùng Lào Cai dò la tình hình giặc Thanh. Cô Bơ Bông (tức Cô Ba Thoải Cung) có tài chữa bệnh cứu dân. Chầu Mười người Thổ, giúp Lê Lợi đánh tan quân Liễu Thăng, trấn ải Chi Lăng (Lạng Sơn).
Đạo của đại đoàn kết dân tộc
Qua những chi tiết trên đây đã thấy nhiều ý nghĩa của đạo Mẫu. Việc thần linh hóa những nhân vật cụ thể với hiện tượng thiên nhiên, góp phần tăng tính thiêng của con người; ngược lại, tạo cho thiên nhiên sự gần gũi với con người. Thông qua đó, cha ông ta gửi tới con cháu những thông điệp quan trọng như sống hài hòa với thiên nhiên, có hiếu với tổ tiên, ông bà... Hơn nữa, việc tôn thờ nhiều vị Thánh có công đánh giặc, giữ yên bờ cõi là ngầm ý gửi gắm trách nhiệm luôn coi trọng bảo vệ bờ cõi. Còn tôn vinh những vị đã có công truyền dạy các ngành nghề bao hàm cả ý nghĩa sống có ích và góp sức xây dựng gia đình, quê hương. Đồng thời, nhắc nhớ luôn coi trọng tinh thần bình đẳng và đại đoàn kết dân tộc khi có nhiều vị Thánh thuộc các tộc người thiểu số như Tày, Nùng, Mường, Thổ… Sự bình đẳng còn thể hiện từ xuất thân của các vị Thánh. Nhiều vị xuất thân quyền quý, trong khi cũng có vị chỉ là những người dân bình thường. Nữ quyền được coi trọng khi phần nhiều là các Thánh Nữ. Đạo Mẫu cũng đề cao yếu tố gia đình, tình vợ chồng thủy chung.
Người Việt sống thực tế, việc tôn thờ các vị thánh hiền dân tộc là có mục đích. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh: "Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực trong thế giới hiện tại". Ông nói thêm: "Khác với tôn giáo tín ngưỡng khác, đạo Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần có sức khỏe, tiền tài và quan lộc".
Cái nôi của một nghệ thuật đa nghệ thuật
Gắn liền với thực hành nghi lễ tín ngưỡng đạo Mẫu, nghệ thuật hát văn - hầu đồng là di sản nghệ thuật dân tộc. Nội dung ca từ ca ngợi các vị thánh hiền. Mỗi vị thánh tương ứng với một nhân vật trong hệ thống đạo Mẫu. Nghe nói, có tất cả 72 giá nhưng chưa ai hầu đủ chừng ấy. Ngay việc hầu 36 giá cũng chưa thấy. Phổ biến hiện nay hầu 25 giá là nhiều nhất.
Hát văn - hầu đồng là một nghệ thuật tổng hợp đặc sắc. Cái hay ở chỗ, âm nhạc của hát văn có đủ cung bậc để chuyển tải. Nổi trội là tiết tấu nhanh, thúc giục, từng có nhạc sĩ ví như điệu "disco ngược", có nghĩa là tiết tấu rộn ràng giống disco nhưng nhiều đảo phách, một đặc trưng của âm nhạc dân tộc. Đây chính là điểm đặc biệt khiến cho hát văn có sức hút, cộng với không gian thiêng nơi trình diễn dễ khiến người nhảy đồng cũng như người tham dự đạt được trạng thái "thăng" và nhún nhảy cùng điệu nhạc.
Dẫu vậy, về bản chất hệ thống làn điệu hát văn rất đơn giản, chỉ gồm: Dọc - cờn - xá và phú cùng các biến thể. Gần đây, các nghệ nhân thêm vào nhiều làn điệu dân gian các vùng miền. Ngoài ra, âm nhạc và vũ điệu của các tộc người cũng được khai thác. Trong khi nghệ thuật trình diễn thời trang dân tộc, mô phỏng trang phục các tộc người thiểu số được khai thác khiến cho nghi thức hát văn, hầu đồng vừa mang tính thiêng, vừa ngập tràn các sắc màu nghệ thuật đậm nét truyền thống.
Giải pháp giải tỏa tâm lý
Quãng chục năm trở về trước, những người thực hành tín ngưỡng hầu đồng chủ yếu làm nghề buôn bán. Về sau, mặc dù vẫn chưa được khuyến khích nhưng hầu đồng thu hút thêm nhiều tầng lớp xã hội khác. Thực tế mỗi một người tham gia trình diễn thường có những uẩn khúc riêng cần được giải tỏa. Nhạc sĩ Thao Giang từng chia sẻ: Những người tham gia hầu đồng chủ yếu làm nghề buôn bán, có điều kiện về kinh tế nhưng luôn trong trạng thái căng thẳng do chịu sức ép từ nhiều phía. Chính vì vậy, cũng theo nhạc sĩ, sau một thời gian dồn nén, việc tham gia hầu đồng, được hóa thân thành các thánh, được những người xung quanh phục tùng và kính trọng giúp họ đạt được trạng thái thăng hoa, cộng thêm niềm tin tín ngưỡng, giúp họ phá tan những bức xúc, tiếp thêm sự lạc quan để rồi lại trở về với những lo toan của thế giới thực tại. Đối với những người tham gia hầu đồng thuộc tầng lớp khác, cũng sẽ giúp họ giải tỏa được một điều gì đó mà trong thế giới thực tại họ không giải quyết được, có thể là uẩn khúc bản thân, có thể mối quan hệ gia đình, công việc…
Vậy thì, hầu đồng chính là một giải pháp giải tỏa tâm lý. Hoặc chí ít cũng là một giải pháp niềm tin cho một ai đó vịn vào mà vượt qua những khó khăn trên đường đời. Ngoài ra, hoạt động thực hành hát văn - hầu đồng được khởi sắc, đồng nghĩa giải quyết một lượng không nhỏ những người lao động, những nghệ sĩ đàn hát dân gian có việc làm và có thu nhập ổn định.
Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, còn gọi là Đạo Mẫu, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1-12-2016.