Một vùng đất nhớ

Kinh tế - Ngày đăng : 08:38, 29/01/2017

(HNM) - Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, thực hiện chủ trương phân bố lại dân cư, lao động cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới, từ cuối tháng 3-1976 đến hết năm 1977, hơn 2.600 thanh niên Hà Nội đã đi tiền trạm tại thung lũng Nam Ban, khi ấy thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.


Họ được tổ chức thành 8 tổng đội thanh niên xung phong tương ứng với 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành Hà Nội lúc đó (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, và Từ Liêm), hằng ngày làm nhiệm vụ khai hoang, mở đường, dựng lán trại, nhà cửa... chuẩn bị đón các gia đình vào xây dựng vùng kinh tế mới (KTM).



Tính đến tháng 10-1987, hơn 5 nghìn hộ gia đình với ngót 2,4 vạn nhân khẩu ở nội, ngoại thành Hà Nội - kể cả các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất ngày ấy cũng thuộc đất Thủ đô - đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Vùng KTM Hà Nội trở thành huyện mới mang tên Lâm Hà, với 18 xã, 2 thị trấn và được bàn giao về tỉnh Lâm Đồng.

Sau 5 tiếng đồng hồ "hành khách", xe đò chạy tuyến Buôn Mê Thuột - Đà Lạt thả tôi xuống ngã ba Cửa Rừng, cái tên gợi nhớ một thời rừng hoang, vắt xanh, muỗi vằn, sốt rét. Chị chủ quán cà phê nói từ đây vào Nam Ban theo tỉnh lộ 725 chỉ 7-8 cây số, có thể đi xe buýt hay taxi. Giọng Hà Nội không lẫn đi đâu được.

Ngồi xe Mai Linh ngắm dã quỳ vàng rực tô điểm cho những đồi thông với rẫy cà phê xanh um. San sát nhà tầng lợp ngói gốm xanh đỏ, sân trước sẫm màu cà phê đang phơi. Trung tâm văn hóa thể thao mọc hoành tráng cạnh trụ sở ủy ban thị trấn. Nam Ban có nhiều cái mới so với lần trước tôi đến. Nhà cửa, phố xá khang trang, có đèn cao áp, lại có cả xe buýt, taxi... So với thời mở đất thì hẳn là "vật đổi, sao rời".

Cách đây 10 năm, dự xong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập vùng KTM Lâm Hà ở Đinh Văn rồi theo đoàn về Đà Lạt, tính bay luôn ra Hà Nội nhưng tôi cứ cấn cá. Vượt hàng nghìn cây số vào đến đây mà không thăm hỏi bà con người Hà Nội sao đành. Thế là quyết định ở lại, thuê xe máy về Nam Ban... Chuyến công tác Đắk Lắk này tôi đã sẵn ý định tranh thủ sang Nam Ban thăm lại bà con, chả gì cũng vừa tròn 40 năm khai sinh vùng đất mới. Sở dĩ vậy là bởi với tôi Nam Ban mới thực là "thủ phủ" của người Hà Nội ở Lâm Hà, mới là "trái tim" của vùng KTM.

Ngôi nhà nhỏ ở trung tâm xã Đông Thanh (ghép tên Đông Anh - Thanh Trì) cách Nam Ban khoảng 6km vẫn như xưa. Lúc đầu còn ngờ ngợ, khi nhắc chuyện 10 năm trước thì chị chủ nhà gọi tên tôi trúng phóc.

Tháng 8-1981, chị Nguyễn Thị Lý ở thị trấn Thanh Trì tốt nghiệp "sư phạm 10+2" được 1 tháng thì nhận quyết định đi biệt phái tại vùng KTM Lâm Đồng. Quyết định ghi "thời gian công tác tại vùng KTM Lâm Đồng là 3 năm kể từ ngày 1-9-1981". Chồng chị quê Đa Tốn, Gia Lâm, đi "tiền trạm" tháng 10-1976, sau khi tham gia Công an vùng, công tác ở tổng đội Thanh Trì thì quen chị rồi nên duyên vợ chồng. Cứ nghĩ hết 3 năm lại về "đất thánh", không ngờ gắn bó tới 35 năm với sự nghiệp "trồng người" ở vùng đất mới. Đã ba lần cầm quyết định về Hà Nội nhưng vẫn "cắm rễ" ở đây. Chị bảo: "Lúc đó nghĩ mấy chục năm khổ mãi quen rồi, ra đấy lạ nước lạ cái, đất đai chật chội lấy gì mà sống". Năm ngoái cô giáo Lý nghỉ hưu, là người duy nhất trong lứa 42 giáo sinh biệt phái còn bám trụ ở vùng Nam Ban.

Nhà cô giáo Nguyễn Thị Nhị cách đấy hơn cây số, đường bê tông đến tận cổng. Chị Nhị sinh năm 1962, quê xã Võng La, Đông Anh. Năm 1979, cả nhà đi "KTM", vào ở khu Thăng Long thuộc Nông trường quốc doanh số 4 tức là thôn Tiền Lâm bây giờ. Hồi ấy chị Nhị đang học lớp 10 (hệ 10 năm), hằng ngày phải dậy từ 4h sáng vừa học bài vừa nấu cám heo, xong cũng là lúc bạn bè í ới gọi đi học. Đến trường cấp 3 ở dốc "Phì Phò" phải đi bộ 6-7 cây số, trèo lên thân cây bắc làm cầu qua suối. Lớp chỉ có 13 học sinh, xong cấp 3 tất cả đều đi sư phạm để bổ sung giáo viên cho vùng KTM. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Lâm Đồng chị Nhị về trường cấp 2 Đông Anh công tác. Năm 1992 thành lập xã Đông Thanh, trường chuyển về trung tâm xã, sáp nhập với trường cấp 2 Thanh Trì nhưng… không có học sinh. Ngày ấy gian nan mọi bề, đường đi học vừa xa vừa khó khăn, nhất là mùa mưa lũ nên học sinh bỏ học nhiều. Lớp chị Nhị chủ nhiệm chỉ còn 5 em theo học. Thế là trường giải thể, trò nào thiết tha học phải ra ngoài Nam Ban. Chị Nhị xuống dạy tiểu học, đến năm 2000 tái thành lập Trường PTCS Đông Thanh mới trở lại dạy cấp 2. Thấm thoắt đã hơn ba chục năm "chở đò", còn ít tháng nữa là nghỉ hưu. Nhà có ba con gái đều theo nghề mẹ. Cô lớn dạy Trường PTCS Đông Thanh cùng cơ quan mẹ, cô thứ dạy Trường Mẫu giáo Thăng Long ngoài thị trấn Nam Ban, còn cô út dạy trẻ khuyết tật ở trường tư thục dưới TP Hồ Chí Minh.

Chồng chị Nhị là anh Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1961, quê xã Cổ Loa, nãy giờ cùng với mấy người hàng xóm đều là dân Đông Anh ngồi uống chè xanh hút thuốc lào ngoài sân. Anh Đoàn trước làm ở công ty lương thực vùng KTM, sau khi công ty sáp nhập, chuyển về Đinh Văn thì anh nghỉ việc. Có 4 sào vườn (sào Nam bộ, 1000m2/sào) anh cho thuê gần hết, chỉ giữ hơn một sào trồng cà phê. Anh Đoàn bảo vụ vừa rồi thu 1,2 tấn hạt tươi, tính ra khoảng 3 tạ nhân, trừ chi phí chỉ được 13 triệu đồng, chả bõ bèn nên vừa nhổ hết để chuẩn bị trồng dâu. Nghề tằm tang đang "hot" thì phải, đi đâu cũng râm ran chuyện bà con bỏ cây cà phê quay sang trồng dâu nuôi tằm, một năm thu nhập 50 - 60 triệu đồng/sào. Tôi bảo thế thì ở ngoài quê chắc gì đã bằng được trong này. Cái đận gian khó nhất qua rồi, đất chẳng phụ người nên nhà nào cũng tươm tất, khấm khá.

Mải "ôn nghèo, kể khổ" không để ý đã quá trưa. Anh Đoàn mời ở lại ăn bữa cơm đồng hương, bụng cũng muốn nhưng đành phải cáo từ vì trước đó đã có điện thoại giục, ngoài Nam Ban mọi người đang sốt ruột chờ…

Nghe tin tôi vào ông Trần Đình Tải, nguyên Phó Trưởng Công an vùng KTM liền hẹn đến nhà ăn cơm. Từ Đông Thanh chạy về đã thấy nguyên Trưởng Công an thị trấn Đặng Minh Đức với Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hoàng Ngọc Trọng ngồi chờ. Ngôi nhà hai tầng giữa 5 sào cà phê xanh tốt, thoai thoải xuống dưới là 3 sào ao cá quẫy sùng sục. Mâm cơm toàn thứ "nhà trồng được", từ thịt gà, cá cho đến rau. Vừa thấy tôi bà Tải nói mát: "Tưởng anh quên chúng tôi rồi". Lại nhớ 10 năm trước, cái đêm bà con kéo đến kín sân vận động xem các chị Thúy Mùi, Thu Huyền… diễn chèo, ai cũng sụt sùi trách: "Tưởng Hà Nội quên chúng tôi rồi".



Đã ngoài tám mươi tuổi nhưng sự nhiệt tình, mến khách của ông cụ Tải vẫn như xưa. Lần trước tôi ấn tượng mãi với câu nói bất hủ hồi ông còn là thượng sĩ Cảnh sát giao thông mới được điều động vào Công an vùng KTM, khoảng tháng 4 - 1976. Xa Thủ đô, đời sống cơ cực nên lính tráng tâm trạng, thấy vậy ông Tải động viên: "Ở quê muốn trồng được củ khoai phải nhét xuống dưới cục phân bò, chứ ở đây chỉ cần cắm rễ tự khắc mọc ra cây, ra củ". Cái triết lý giản đơn của người chỉ huy gốc nông dân Thanh Hóa đâm ra hiệu quả. Chẳng những cây mà người cũng "bén rễ", phát triển ở đất này. Đường con cái của ông bà cũng thật đáng nể. Cả 5 người con đều là cử nhân, thậm chí 2-3 bằng đại học, thạc sĩ cũng có. Cô cả công tác ở ngành tư pháp tỉnh; cô thứ hai cũng "con nhà luật", định cư dưới TP Hồ Chí Minh; cô thứ ba - cũng cử nhân luật - ở ngoài Hà Nội; cô thứ tư theo nghề bố, hiện là sĩ quan cấp tá của Phòng CSGT tỉnh; còn cậu út nghe đâu cũng ngấp nghé lãnh đạo Công an huyện nào đó ở tỉnh nhà.

Thượng tá Đặng Minh Đức thuộc lớp kế cận ông Tải cũng đã nghỉ hưu được mấy năm. Tháng 12 - 1979, anh thiếu úy trẻ (sinh năm 1956), nhà ở phố Tràng Thi, công tác tại Phòng Cảnh sát Kinh tế 3, Công an thành phố Hà Nội nhận lệnh vào vùng KTM. Cứ nghĩ hết thời gian biệt phái lại về Thủ đô, nhưng do yêu cầu công việc, đất đai khí hậu trong lành níu giữ nên anh Đức ở lại, đưa vợ con vào lập nghiệp hẳn trong này. Nghỉ hưu rồi nên giờ anh Đức chủ yếu dành thời gian chăm lo vườn cây cảnh trong khuôn viên ngôi biệt thự nằm ngay mặt đường trục của thị trấn, sát bên cạnh là cây xăng của doanh nghiệp do vợ anh làm chủ. Con cái cũng học hành, bay nhảy cả, người ở Đà Lạt, người ở Sài Gòn...



Thế hệ "tiền trạm", "biệt phái" như ông Tải, anh Đức, cô giáo Lý… giờ đã nghỉ ngơi, nhường chỗ cho lớp trẻ trưởng thành trên vùng đất mới. Như Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hoàng Ngọc Trọng sinh năm 1971, theo gia đình vào đây lúc bé, vậy mà đã tham gia chính quyền tới 3 khóa. 10 năm trước tôi gặp thì Trọng đã là Phó Chủ tịch thị trấn. Trước chuyến đi này nghe tin Trọng vẫn tại vị mà tôi háo hức như sắp "tha hương ngộ cố tri", bởi ấn tượng về anh cán bộ quê gốc ở Kim Nỗ, Đông Anh vẫn sâu đậm. Nom Trọng đẫy hơn trước, ra dáng điền chủ, mà đúng là thế thật bởi hằng ngày cứ xong việc cơ quan anh lại lao về trang trại, nơi có đàn lợn vài trăm con cứ chục ngày lại xuất bán dăm bảy tạ cùng với rẫy cà phê rộng tới cả héc ta cần được chăm sóc.

Kể từ cái ngày người Hà Nội đi mở đất ở thung lũng Nam Ban bên dòng Đạ Dâng ngàn vạn năm tuổi đã hơn 40 năm trôi qua. Bốn mươi năm là cả một đời người, biết bao câu chuyện, bao thân phận không thể ghi chép hết. Nhưng thật mừng là người Nam Ban giờ đã có "của ăn của để" và lo toan làm giàu, không còn loay hoay cơm áo như thời mở đất. Và cũng mừng khi bà con không còn những mặc cảm "bị bỏ rơi" bởi từ nhiều năm qua Hà Nội đã không ngừng quan tâm, chia sẻ với "khúc ruột" của mình. Những ngôi trường, trung tâm y tế, trung tâm văn hóa thể thao được xây mới bằng nguồn vốn TP Hà Nội tài trợ, kể cả những con đường liên thôn, ngõ xóm hầu hết đã được bê tông hóa nhờ hàng trăm tỷ đồng chi viện của quê hương. Nhưng quan trọng và đáng kể hơn cả là dòng đời trẻ đã sinh sôi, trưởng thành nơi đất mới và cũng giống như thế hệ cha anh mình, họ tiếp tục cống hiến những tinh hoa của người Hà Nội cho mảnh đất cao nguyên này; và cũng như thế hệ trước, trái tim những người trẻ ở Nam Ban luôn hướng về Thủ đô yêu dấu.

Trước lúc rời Nam Ban tôi mượn xe máy đi một vòng như muốn tạm biệt thị trấn. Những cái tên khu phố Đống Đa, Ba Đình, Đông Anh, Trường PTTH Thăng Long… khiến lòng thấy nao nao, như sắp phải chia xa một nơi nào đó thân thuộc. Mà đúng là thân thuộc bởi kể từ cái ngày những người Hà Nội đầu tiên đặt chân đến vùng đất này cách đây hơn 40 năm, Thủ đô đã để lại ở nơi cao nguyên xanh một vùng đất nhớ.

Hà Anh