Động lực kiến tạo

Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 29/01/2017

(HNM) - Một năm đầy dấu ấn, lắm khó khăn, nhiều thách thức vừa qua đi. Như

Nhìn lại, thông điệp mạnh mẽ được quan tâm nhất trong nhiệm kỳ mới gửi đến nhân dân trong năm 2016 chính là: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, chống suy thoái, chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa"; xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, quốc gia khởi nghiệp… Hẳn nhiên, những thông điệp đó không phải là những "mỹ từ". Đó là lời cam kết sâu sắc và thiêng liêng trước đất nước và nhân dân, được phát đi từ điểm khởi đầu của nhiệm kỳ, là đích đến của hành động. Đó là ý chí, là khát vọng được thôi thúc từ nhu cầu nóng bỏng của thực tiễn phát triển đất nước. Nhân dân đang dõi theo và đặt niềm tin, kỳ vọng vào một Đảng thật sự "đạo đức, văn minh", một "Chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch và phục vụ".



Còn nhớ, mùa xuân năm 2011, cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, ngay sau Đại hội, một tình thế cấp bách đã xảy ra khi đất nước ta phải đối mặt với tình hình kinh tế thế giới biến động dữ dội do khủng hoảng tiền tệ gây ra. Đảng và Nhà nước ta đã phải gấp rút ban hành chính sách điều chỉnh kinh tế đất nước, "vững tay chèo", lái con thuyền Việt Nam vượt qua giông bão thác ghềnh, để 5 năm sau, mùa xuân Bính Thân 2016, cũng là năm bắt đầu của nhiệm kỳ mới - nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII, kinh tế Việt Nam cơ bản đã đứng vững. Mà dường như, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới nào cũng phải trải qua nhiều thách thức, nhiều gập ghềnh; có những thách thức, chướng ngại nằm trong quy luật đã được dự báo, nhưng cũng có những thách thức, biến cố bất thường đòi hỏi phải có sự năng cảm với cách thức tiếp cận mới, ý chí và hành động quyết liệt để vượt qua.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Bất chấp hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sự cố môi trường tai hại ở vùng biển miền Trung và tác động bất lợi từ suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta năm qua vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay… Quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, tạo lập và giữ được môi trường hòa bình, tranh thủ yếu tố thuận lợi của quan hệ quốc tế để phát triển…

Năm đầu tiên triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII diễn ra trong bối cảnh quốc tế cũng đầy những bất an và biến động. Nhiều cú kích ứng có thể làm đổi thay cục diện thế giới. Sự kiện Brexit khiến tương lai Châu Âu trở nên mờ mịt, bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng của ông Donald Trump khiến cả thế giới "rối bời". Và hiện tại, người ta vẫn chưa thể đoán chắc cục diện thế giới sẽ thay đổi ra sao hay lại bước vào một thời kỳ "hỗn mang" mới. Trong khi, thế kỷ XXI vốn đã được dự báo và thực tế hiển hiện là một thế kỷ đầy những bất thường, khó lường do thiên nhiên và con người tạo ra: Biến đổi khí hậu toàn cầu, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, di cư, đói nghèo, dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh tài nguyên, nhất là nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và cả sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Có quá nhiều trở lực để cả thế giới phải lo lắng và giải quyết.

Do vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều bề bộn trên con đường phát triển, vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức vừa riêng, mang tính quốc gia, vừa là những thách thức chung mang tính khu vực và toàn cầu. Sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp. Kinh tế phát triển nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển… Thể chế, cơ chế điều hành đất nước vẫn còn nhiều bất cập. Làm sao huy động được sức mạnh, nguồn lực, tiềm năng trong dân để tập trung cho phát triển? Bài toán đó, nhất định phải giải trong những năm kế tiếp của nhiệm kỳ.

Và chúng ta sẽ phát triển ra sao, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu như thế nào khi biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn dự báo mà Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất? Các cấp chính quyền bước vào nhiệm kỳ đầu tiên bằng những cuộc "sát hạch" sát cánh với nhân dân, là chỗ dựa của người dân trong cơn khốn khó. Đòn giáng của thiên nhiên là hồi chuông cảnh tỉnh và đòn giáng từ tác động tiêu cực của con người gây ra là cú đánh vào chính mình để rút ra bài học, điều chỉnh trong quy hoạch, phê duyệt dự án, điều hành kinh tế vĩ mô, tiếp nối từ trung ương đến địa phương và ngược lại. Sự cố ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung do công ty Formosa gây ra là bài học nhỡn tiền không cho phép đặt sự phát triển "nóng" của đất nước vào những mối hiểm nguy mà lớn nhất là môi trường sống bị hủy hoại.

Con thuyền Việt Nam đang giong buồm ra biển lớn hội nhập một cách thực sự. Nhìn một cách tổng thể, năm qua cũng là năm Việt Nam có nhiều thành tựu về đối ngoại với nhiều hoạt động sôi động và hiệu quả. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia Cộng đồng ASEAN 2015, ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 hiệp định FTA, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEF). Điều đó giúp Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mạnh mẽ, sâu rộng hơn và cũng đối mặt với nhiều thách thức từ biến động của cục diện thế giới. TPP có thể không thực hiện được theo lộ trình và chúng ta phải tìm những con đường khác, cơ hội khác, tầm mức đối tác khác. Chúng ta coi trọng các đối tác lớn như Mỹ, Nhật, Liên minh Châu Âu nhưng đồng thời, cũng hết sức coi trọng các đối tác truyền thống, coi trọng thị trường ASEAN vì đây mới là mối quan hệ thiết thân. Năm 2017 là một năm sẽ có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng: kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 10 năm ký Hiến chương ASEAN; Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị APEC 2017… hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội, triển vọng hợp tác mới.

Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn. Tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ đã không còn là cứu cánh của phát triển. Cả hệ thống của chúng ta nhất thiết phải được nâng cấp lên một trình độ mới. Một chính phủ kiến tạo sẽ là một chính phủ vì dân, gần dân, liêm chính, minh bạch, hoạt động theo pháp luật, hiệu quả để phục vụ nhân dân. Một quốc gia khởi nghiệp sẽ phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể; khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển…

"Chính phủ kiến tạo", "quốc gia khởi nghiệp" là thông điệp đẹp và mạnh mẽ, đang tạo nên một niềm hứng khởi không chỉ trong đời sống kinh tế mà còn trong tất cả mọi lĩnh vực của đất nước. Điều quan trọng và quyết định nhất là phải tạo ra được những ngọn lửa động lực để biến thông điệp đẹp đó, khát vọng đó thành hiện thực sống động của cuộc kiến tạo lớn trên đất nước ta. Động lực sẽ tạo ra nội lực để ta cất cánh. Và tất nhiên, con người bao giờ cũng nằm ở trung tâm của mọi hoạch định và khát vọng vươn tới.

Để có thể xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trước hết và căn bản, động lực ấy phải được thắp lửa từ một bộ máy tốt, những cán bộ tốt. Muốn trở thành một quốc gia khởi nghiệp thật sự thì tinh thần khởi nghiệp phải thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức nhà nước. Người dân chỉ được khích lệ sản xuất, kinh doanh, làm giàu, tạo thêm nhiều của cải cho xã hội khi chính đội ngũ công chức các cấp là chỗ dựa cho họ, hỗ trợ họ chứ không phải vì vụ lợi, vì sự non kém về năng lực mà tìm cách ngăn trở bằng những thủ tục hành chính rườm rà, và đạo đức công vụ suy thoái.

Chính vì thế, thách thức lớn nhất lại không phải đến từ những tác nhân ngoại lực bên ngoài mà là chính từ nội tại, bài toán con người chúng ta đã cảm thấy, đã chỉ ra nhưng còn chưa giải được.

5 năm trước, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã gióng lên hồi trống lệnh giục giã, đau đớn mà thẳng thắn chỉ ra những "căn bệnh" tha hóa quyền lực như con mối gặm thân đê, chứa những hiểm họa khôn lường. Sau 5 năm, với quyết tâm chính trị cao, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". Một vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.

Nhớ lại, 70 năm trước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với "thù trong, giặc ngoài", nạn đói hoành hành, khó khăn chất chồng, tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén, sáng suốt, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên. 70 năm trôi qua, nhưng bài học về phát huy sức mạnh toàn quốc kháng chiến, kháng chiến toàn dân, toàn diện đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngay giữa thời bình này, cả dân tộc ta đang bước vào một cuộc chiến không tiếng súng. Đó là cuộc chiến để gìn giữ những giá trị thuộc về lương tri, phẩm giá con người và đạo đức của người cộng sản, để giữ lấy sức mạnh và nội lực vươn cao, vươn xa. Nội lực ấy phải được sinh ra từ Trí tuệ, Bản lĩnh và Phẩm giá để đủ sức mạnh quy tụ nhân tâm, "tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào". Trước đây, chúng ta đã một lần riết róng: Đổi mới hay là chết? Lần này, nhiều người nhận định dường như có một làn gió Đổi mới lần 2, một tinh thần Đổi mới căn bản, có tính đột phá. Cho ta tin yêu và kỳ vọng.

Thủ đô Hà Nội đã đi qua 70 mùa hoa từ những Ngày Toàn quốc kháng chiến. 70 năm trước, những người con của Hà Nội giương cao khẩu hiệu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Tinh thần ấy, khí thế ấy vẫn còn ngời sáng cho đến hôm nay. Thủ đô, với quyết tâm đi đầu cả nước, trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong xây dựng bộ máy chính quyền đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, thay đổi phong cách lãnh đạo… Những tín hiệu tốt từ Thủ đô Hà Nội đang lan tỏa, hòa kết với những việc làm tốt đẹp khắp mọi miền đất nước cho phép chúng ta hy vọng về một bước chuyển tích cực.

Xuân Đinh Dậu đang về. Ta khép lại những âu lo của mình với niềm hân hoan, tươi mới đón mùa xuân gõ cửa. Điều làm chúng ta có niềm tin không chỉ từ những thành tựu của năm qua, mà là một lần nữa Đảng ta đã nhìn thấy những vấn đề nội tại của đất nước và nỗ lực tìm cách để giải quyết. Hội tụ sức xuân, tích hợp sức mạnh toàn dân tộc, chúng ta bước vào cuộc trường kỳ "kiến quốc" trong thời kỳ mới bằng trí tuệ và bản lĩnh, với niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới.

Sắc xuân đang bừng trỗi dậy và tương lai đang chờ ta, từ những bước chân của ngày hôm nay./.

Hồ Quang Lợi