Sôi nổi hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân
Văn hóa - Ngày đăng : 08:04, 31/01/2017
Chương trình nghệ thuật chào đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Ảnh: Nhật Nam |
Đáng chú ý, ngoài các chương trình do các nhà hát, đơn vị nghệ thuật của TP Hà Nội như Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội... loạt chương trình còn có sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương. Tối 31-1, tại quận Hà Đông, Ba Đình, Hoàng Mai, Đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc Hoa Mai và các CLB nghệ thuật thuộc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội thể hiện những tiết mục ca múa nhạc ca ngợi đất nước, Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Đoàn văn công Phòng không - Không quân biểu diễn chương trình “Đất nước trọn niềm vui” tại sân khấu trung tâm thị xã Sơn Tây vào tối 31-1 và tại thị trấn huyện Mê Linh vào tối 1-2. Đoàn văn công Bộ đội Biên phòng mang đến trung tâm huyện Đông Anh chương trình “Việt Nam quê hương tôi” vào tối 31-1, còn Đoàn văn công Quân khu II có chương trình ca múa nhạc “Đất nước trọn niềm vui” phục vụ nhân dân huyện Sóc Sơn vào tối 1-2...
Các đơn vị sân khấu chọn những vở diễn xuất sắc để biểu diễn miễn phí cho nhân dân Thủ đô trong những ngày này. Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn vở “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” tại huyện Phúc Thọ, Gia Lâm; Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện vở “Thất huyền quyền” tại Phú Xuyên và Nhà hát Chèo Việt Nam mang đến các trích đoạn chèo cổ nổi tiếng tại trung tâm quận Bắc Từ Liêm. Đoàn Cải lương Thanh Hóa cũng tham gia loạt chương trình bằng vở “Trở về miền sáng” tại huyện Chương Mỹ, Đan Phượng; Đoàn Cải lương Thái Bình diễn trích đoạn “Hoa hậu dạy chồng” ở huyện Thanh Oai… Những ngày đầu Xuân Đinh Dậu 2017, đa số các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thủ đô mở cửa, tổ chức nhiều hoạt động phục vụ khách tham quan.
Hội xuân Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, khai mạc ngày 29-1 (mùng 2 Tết). Điểm nhấn của hội xuân là trò chơi dân gian cờ bỏi diễn ra tại sân Thái Học, thu hút hàng trăm người theo dõi, tham gia. Đặc biệt, Hội Chữ xuân Đinh Dậu diễn ra trong khuôn viên Hồ Văn được đánh giá là an toàn, trật tự, khắc phục tình trạng “ông đồ” tràn ra vỉa hè Văn Miếu viết chữ trong những ngày đầu xuân.
Phục vụ nhân dân chơi Tết, du xuân, từ ngày 30-1 đến 1-2 (mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (đường Hoàng Diệu, Ba Đình) phối hợp với các phường rối truyền thống biểu diễn múa rối nước vào 10h, 12h và 16h tại khu nhà N26. Dịp này, nhiều hoạt động quảng bá Tết Việt, giới thiệu về Khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng được tổ chức như triển lãm tranh Tết truyền thống, triều phục Việt Nam, cây cảnh, nghệ thuật; ảnh di sản Việt Nam… Lễ khai xuân Hoàng thành Thăng Long sẽ diễn ra ngày 5-2 (mùng 9 tháng Giêng).
Sau chương trình vui đón Tết, Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5-2 (mùng 8 và 9 tháng Giêng) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa dân tộc.