“Vật không hay, Xe đài kéo lại”

Thể thao - Ngày đăng : 08:20, 01/02/2017

(HNM) - Mỗi khi Tết đến, xuân về cũng là lúc các hội vật mở ra ở khắp xứ Đoài hay vùng Kinh Bắc. Ở đó, hội vật không chỉ hấp dẫn bởi những cuộc đấu mà còn ở màn Xe đài trước mỗi keo vật. Chẳng vậy mà từ bao lâu nay người xưa đã có câu “Vật không hay, Xe đài kéo lại”.

Một màn xe đài trước trận đấu.


Trong vật cổ truyền, Xe đài là thủ tục không thể thiếu trước mỗi trận đấu. Đó là sự biểu hiện của tinh thần thượng võ, tôn sư trọng đạo, đầy tính tâm linh. Đấy cũng là cách để các đô vật "khoe” được thần thái, cái hay, cái đẹp ở mỗi vùng quê. Như cựu đô vật nổi tiếng Lê Văn Sức giải thích, dù Xe đài có nhiều động tác, bay bướm đến mấy cũng phải tuân theo nguyên tắc “3 lên, 3 xuống, 3 ra, 3 vào”. Theo đó, đô vật bước lên 3 bước và lùi 3 bước. Sau đó, ra 3 bước rồi lại vào 3 bước. Lưng của đô vật không được quay về tổ đình hay Ban tổ chức. Đấy là những quy tắc bất di bất dịch mà mỗi đô vật phải nhớ. Còn từ đó, mỗi vùng, miền lại có bài Xe đài riêng.

Ông Lê Văn Sức vốn là đô vật rồi sau này là HLV nổi tiếng Việt Nam, trưởng thành từ những sới vật làng ở Trung Mầu (Gia Lâm, Hà Nội). Hiện tại, ông vẫn là HLV của vật Hà Nội và là người điều hành có tiếng ở các hội vật làng. Ngay từ bé, ông đã được dạy bài Xe đài từ lão đô Trọng, đô Thái ở Dục Tú (Đông Anh) - những người đến truyền dạy môn vật ở Trung Mầu. Trong trí nhớ của ông Lê Văn Sức, bài Xe đài được các đô vật xưa trình diễn rất đẹp. Cách trình diễn chậm rãi, thư thái, uyển chuyển, theo đúng nhịp trống thể hiện rõ khí phách từng đô, lộ rõ "chất" của mỗi vùng miền.

Đô vật ở vùng Kinh Bắc thường trình diễn Xe đài với sự mạnh mẽ, nghiêm nghị. Còn đô vật ở xứ Đoài lại thiên về sự khéo léo, dẻo dai, uyển chuyển và nét mặt luôn vui tươi. Ở một số vùng miền khác, động tác Xe đài cũng mang đậm nghề nghiệp của người dân nơi đó. Như ở Thái Bình, Nam Định, các đô vật có những động tác mô phỏng nghề chài lưới. Thế nên, không ngẫu nhiên mà làng vật cổ truyền còn ghi danh cả những đô vật nổi tiếng về Xe đài như đô Chu Quý Trang (người Ba Vì) nổi tiếng ở xứ Đoài, như đô Sản, đô San, đô Trình, đô Sức… ở vùng Kinh Bắc. Còn ông Lê Văn Sức được nhớ đến ở những động tác Xe đài cũng bởi kết hợp được cả "chất" của người Kinh Bắc và xứ Đoài trong các động tác của mình. Đơn giản, ông đi nhiều hội vật ở cả hai vùng đất này nên thấy được nét hay, nét đẹp ở các bài Xe đài rồi kết hợp cho bài Xe đài của riêng mình.

Đến nay, những bài Xe đài vẫn không thể thiếu ở các hội vật làng. Nhưng, như ông Lê Văn Sức chia sẻ, hiện nay các đô vật trẻ không quá chú tâm vào các bài Xe đài, nhiều khi chỉ quấy quá cho xong. Thế nên, có khi các bài Xe đài chỉ như thủ tục cho có mà không làm bật lên chất thượng võ, không khiến khán giả phấn khích, hào hứng ngay khi keo vật chưa diễn ra. Điều này cũng là do các đô vật trẻ không được dạy cẩn thận các bài Xe đài và cũng không hiểu hết ý nghĩa của thủ tục này. Tất nhiên, cũng còn nhiều đô vẫn coi trọng bài Xe đài để mang đến sự hào hứng cho khán giả.

Chẳng vậy mà trong tâm sự đầu xuân, ông Lê Văn Sức vẫn mong thấy nhiều bài Xe đài đẹp mê hồn tại các hội vật như ông từng thấy ở các cụ đô vật xưa, để dẫu thua nhanh nhưng đô vật vẫn được nhớ đến. Âu cũng là cách để giữ lại một nét văn hóa trong đấu vật của người Việt.

Thùy An