Đóng góp thiết thực của người có uy tín
Đời sống - Ngày đăng : 08:14, 01/02/2017
Nhiều người đã thực hiện tốt công tác vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy tốt vai trò người có uy tín trong công tác bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.
Hà Nội hiện có 154 người có uy tín ở 14 xã vùng dân tộc miền núi tại 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Những năm qua, đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào DTTS của Thủ đô đã thực sự phát huy vai trò và tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể.
Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", người có uy tín vừa gương mẫu hiến đất làm đường, tham gia lao động công ích, đi đầu trong vận dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả... để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, người có uy tín tích cực vận động, giáo dục con cháu, dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội...
Có thể kể đến người có uy tín tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Nghĩa, người dân tộc Mường, Bí thư Chi bộ thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì). Sau gần 10 năm phát triển bò sữa, đến nay mỗi năm gia đình ông Nghĩa đã có thu nhập khoảng 240 triệu đồng. Ngoài ra, ông Nghĩa còn thường xuyên phổ biến kinh nghiệm cho bà con trong thôn cùng làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Còn ông Đinh Công Su, người có uy tín của thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) đi đầu trong việc vận động nhân dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, ông Su đã vận động bà con người Mường xóa bỏ tục lệ để người đã chết trong nhà nhiều ngày. Ông đã đến từng nhà vận động, phổ biến về nếp sống văn hóa mới, tuyên truyền bà con thay đổi tập tục, tổ chức văn minh, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa tiết kiệm kinh phí cho gia đình, địa phương. “Mới đầu bà con chưa nghe ra, sau đó tôi kiên trì đến từng nhà vận động, họ đã hiểu sự cần thiết trong việc xây dựng nông thôn mới, nên ai cũng nhiệt tình ủng hộ” - ông Su cho biết.
Bà Nguyễn Thị Huê, người dân tộc Mường ở thôn Gốc Báng, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) vinh dự là một trong số 50 người có uy tín trong đồng bào DTTS tiêu biểu nhận Giấy khen của Ban Dân tộc thành phố năm 2016. Kể về công việc của mình, bà Huê nói: “Tôi luôn cố gắng vận động, tuyên truyền bà con trong thôn chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, tích cực hưởng ứng và vận động ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", Quỹ "Vì người nghèo", đồng thời duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc trong gia đình, dòng họ”.
Ban Dân tộc thành phố đánh giá, người uy tín trên địa bàn Thủ đô đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Họ còn là cầu nối; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng và những khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết. Để phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong đồng bào DTTS, thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình người tốt, việc tốt, gương sản xuất giỏi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và kinh tế - xã hội của Thủ đô.