Nước Mỹ "nóng" vì sắc lệnh cấm nhập cảnh

Thế giới - Ngày đăng : 06:10, 02/02/2017

(HNM) - Chỉ chưa đầy nửa tháng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục đưa ra nhiều chính sách gây tranh cãi.

Trong đó, sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với người nhập cư từ 7 quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi, gồm: Syria, Sudan, Somalia, Iraq, Iran, Libya và Yemen đang trở thành tâm điểm. Ngay sau khi được ban bố, quyết định đã ngay lập tức làm dấy lên làn sóng phản đối từ trong lòng nước Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Người biểu tình phản đối sắc lệnh của Tổng thống D.Trump tại Sân bay Chicago, Illinois, Mỹ.


Sắc lệnh yêu cầu ngừng cho người tị nạn vào xứ Cờ hoa trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày, kể cả những người có "thẻ xanh", tức là thẻ cư trú dài hạn tại nước này. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng đây là những biện pháp rà soát mới để khiến những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan không vào được Mỹ và thị thực sẽ lại được cấp ngay khi "những chính sách an ninh chặt chẽ nhất" được thực thi.

Tuy nhiên, quyết định của người đứng đầu đất nước đã không nhận được sự đồng tình của rất đông người dân Mỹ. Hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng mang theo những biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu phản đối phân biệt đối xử với người nhập cư. Tại TP New York, nơi được xem là biểu tượng của tự do và nhập cư, hàng nghìn người cũng tập trung tại Công viên Battery để phản đối sắc lệnh của tân tổng thống. Các cuộc biểu tình còn diễn ra tại nhiều thành phố khác như Atlanta, Boston, Chicago, Los Angeles, Philadelphia và Seattle. Những người phản đối cho rằng lệnh cấm của Tổng thống D.Trump đã gây tổn thương cho các gia đình người tị nạn, những người vẫn luôn tin tưởng rằng họ có thể thoát khỏi cảnh tàn sát đẫm máu để tìm kiếm hy vọng mới trên đất Mỹ. Nhưng trên hết, nó đã phá vỡ giá trị tự do và hình tượng của nước Mỹ trên thế giới. Khoảng 900 nhà ngoại giao Mỹ cũng cùng chung quan điểm này và đã cùng nhau ký vào một tài liệu để chính thức phản đối lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống D.Trump. Họ cho rằng điều này sẽ gây tổn hại tới đất nước, sẽ không làm xứ Cờ hoa an toàn hơn mà ngược lại còn gửi thông điệp sai lầm tới thế giới Hồi giáo, làm xa lánh quan hệ với các nước đã hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Lindsey Graham cũng tuyên bố sắc lệnh của người đứng đầu đất nước chỉ làm tăng nguy cơ khủng bố hơn là cải thiện an ninh nước Mỹ.

Ở cấp độ gay gắt hơn, Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman đã chỉ trích sắc lệnh là "vi hiến và trái pháp luật”, đồng thời cho biết New York sẽ tham gia đơn kiện do Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, Trung tâm Tư pháp đô thị và một số tổ chức khác khởi xướng. Điều này sẽ gây khó khăn nhất định cho ông D.Trump vì theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống trong khi Tòa án Tối cao có thể tuyên bố là "vi hiến" một luật do Quốc hội thông qua và được tổng thống ban hành.

Làn sóng phản đối cũng diễn ra ở nhiều quốc gia. Bộ Ngoại giao Iraq bày tỏ "sự lấy làm tiếc và ngạc nhiên", khẳng định thật "đáng buồn" khi quyết định được đưa ra bất chấp hai nước đang đạt được những chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, Iran tuyên bố sẽ áp dụng "các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền của người dân nước này". Thậm chí, những tiếng nói trái chiều đã đến từ một vài đồng minh của Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định cuộc chiến chống khủng bố không phải là lý do cấm người tị nạn hoặc người dân từ các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Còn Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, chính sách nhập cư vào Mỹ là vấn đề của chính phủ nước này nhưng Luân Đôn không chấp nhận cách tiếp cận của Tổng thống D.Trump.

Dù có những cách lập luận riêng, nhưng quyết định của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đang vấp phải nhiều ý kiến bất đồng. Dẫu thế nào thì một bầu không khí căng thẳng trong nước và quốc tế cũng không phải là những dấu hiệu thuận lợi đối với một nhà lãnh đạo đang trong những ngày đầu tiên nắm quyền điều hành đất nước.

Quang Huy