Cho một mùa lễ hội an toàn, văn minh
Văn hóa - Ngày đăng : 06:27, 02/02/2017
Vì một mùa lễ hội "sạch"
Sáng nay, LH Hai Bà Trưng tưng bừng khai mạc tại đền thờ Hai Bà Trưng (xã Mê Linh). Mở đầu là lễ tế, lễ rước với sự tham gia của hàng trăm người dân xã Mê Linh. Tiếp đó là lễ dâng hương kỷ niệm 1.977 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra long trọng với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Nhân dân các xã xung quanh khu vực đền Sóc đã nô nức chuẩn bị cho lễ khai hội đền Sóc từ nhiều ngày trước. Người dân thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) nhộn nhịp vót hoa tre, bậc cao niên thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) đan voi rước; nhân dân thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) chuẩn bị trầu cau, thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) chuẩn bị rước tướng… Như thường lệ, lễ khai hội đền Sóc gồm các lễ rước mang tính biểu tượng, tôn vinh lòng yêu nước, tinh thần thượng võ…
Khắc phục tồn tại, hạn chế trong những mùa LH trước, huyện Sóc Sơn bố trí hàng trăm người trực tại các chốt giao thông quan trọng, bảo đảm an toàn cho lễ khai mạc, bế mạc và lễ rước. BTC còn bố trí người trực tại các điện thờ, hướng dẫn du khách thực hiện các nghi lễ đúng quy định, không để diễn ra hoạt động mê tín dị đoan; sắp xếp người thu gom rác. UBND xã Phù Linh cũng đã ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường với các hộ kinh doanh. “Đặt mục tiêu bảo đảm an ninh, an toàn cho LH lên hàng đầu, năm nay, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương cố gắng không để hiện tượng cướp lộc (hoa tre, trầu cau) xảy ra; hạn chế đến mức thấp nhất sự lộn xộn, ùn tắc”, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn chia sẻ.
Là một trong những LH lớn nhất, kéo dài nhất cả nước, LH chùa Hương Xuân Đinh Dậu thu hút hàng vạn lượt khách về trẩy hội, du xuân trước ngày khai hội. Nhằm xây dựng “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch”, cùng với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, BTC LH chùa Hương phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xử lý nghiêm các hiện tượng, hành vi tiêu cực tồn tại trong LH. Ông Nguyễn Văn Hậu (Trưởng BTC LH chùa Hương năm 2017) cho biết: “Năm 2017, BTC LH đã tổ chức 5 cuộc tập huấn cho người dân, các nhà đò, bố trí 4 điểm trông giữ xe hợp lý, yêu cầu chủ các ki ốt bán hàng ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ… Tất cả vì mục tiêu xây dựng LH “sạch” hiện tượng tiêu cực, hành vi phản cảm, sạch về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, an toàn phòng cháy chữa cháy…”.
Xây dựng thương hiệu điểm đến
LH hiện nay không chỉ là nơi để người dân thực hành nghi lễ văn hóa, tâm linh, gửi gắm ước vọng về một năm mới tốt lành, no đủ hoặc tưởng nhớ, tri ân người có công, mà còn là những điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn. Việc tổ chức LH ở một góc độ nào đó là hình thức giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch của địa phương, bởi vậy các địa phương có LH lớn đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch LH. Điển hình như tại LH chùa Hương, mỗi năm đón hơn 1 triệu lượt khách, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho ngân sách. Cộng đồng dân cư xung quanh khu vực chùa Hương có đời sống kinh tế ổn định.
Với hội đền Hai Bà Trưng, từ năm 2004 đến nay đã được Nhà nước và nhân dân đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, tôn tạo 3 tòa đền chính, tu bổ toàn bộ nội thất đền, cải tạo hồ bán nguyệt và sân đền trước tiền tế, xây dựng hệ thống đền thờ thân, phụ mẫu Hai Bà, đền thờ thân, phụ mẫu ông Thi Sách, đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, mở rộng không gian đền; nâng cấp đường Kéo Quân từ đình Hạ Lôi đến đền thờ Hai Bà Trưng; hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội tuyến, ngoại tuyến, hạ tầng kỹ thuật… “Cùng với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong LH, đền thờ Hai Bà Trưng được trùng tu, tôn tạo, mở rộng không gian đã, đang và sẽ là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Phan Văn Luật, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh đánh giá.
Tương tự, không gian diễn ra LH Cổ Loa là khu di tích thành Cổ Loa đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Theo nội dung quy hoạch, tương lai không xa, Khu di tích thành Cổ Loa sẽ là công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn, kết nối với các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô như: Tuyến cảnh quan văn hóa sông Hồng - Hồ Tây - Ba Vì; tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích đền Hùng - Mê Linh - Cổ Loa - Hoàng thành Thăng Long - Sơn Tây - Thành cổ Luy Lâu. Trên bản đồ du lịch Hà Nội, hội đền Sóc nói riêng, Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc nói chung đã và đang là một trong những điểm đến hấp dẫn. Vậy nên, các ngành, các địa phương nỗ lực quản lý, tổ chức tốt các LH lớn kể trên cũng là nhằm xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, tâm linh vốn được coi là thế mạnh của Hà Nội.