Hàng nghìn phật tử và du khách về dự khai hội chùa Bái Đính

Văn hóa - Ngày đăng : 16:07, 02/02/2017

Sáng 2/2 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ khai hội chùa Bái Đính năm 2017.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu tham dự lễ khai hội chùa Bái Đính phóng sinh chim bồ câu, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)


Dự lễ khai hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử, du khách thập phương.

Từ nhiều năm nay, cứ vào mùng 6 tháng Giêng, chùa Bái Đính lại đón hàng nghìn tăng ni, phật tử cùng du khách thập phương về trảy hội, chiêm bái, lễ phật, cầu nguyện cho Năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, trụ trì chùa Bái Đính đã nêu bật giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Bái Đính, một ngôi chùa có lịch sử lâu đời; đồng thời cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã luôn gắn kết giữa đạo với đời và đồng hành cùng dân tộc.

Chùa Bái Đính cổ được xây dựng cách đây hàng nghìn năm, là một trong những danh lam nổi tiếng của đất Cố đô. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa Bái Đính cổ vẫn được tăng ni, tín đồ phật tử và nhân dân trân trọng, gìn giữ cho đến ngày nay.

Phát huy giá trị đạo đức văn hóa của Phật giáo nhằm xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc cho nhân loại, cũng như tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước, chùa Bái Đính đã được mở rộng, xây dựng mới, trở thành biểu trưng của giá trị văn hóa, đạo đức, trung tâm tâm linh, tín ngưỡng hoằng pháp, là nơi thỏa nguyện yêu cầu tín ngưỡng tâm linh của đông đảo tín đồ phật tử; đồng thời là minh chứng về sự quan tâm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, từ xưa đến nay, tư tưởng đạo Phật rất được coi trọng trên mảnh đất Ninh Bình. Ninh Bình là nơi có nhiều di tích ghi nhận sự phát triển của Phật giáo với nhiều ngôi chùa cổ và những đóng góp của các vị tăng ni cho sự phát triển của đất nước, trong đó có chùa Bái Đính.

Chùa Bái Đính nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình tin tưởng, trong thời gian tới, chùa Bái Đính sẽ thường xuyên đón đông đảo tăng ni, phật tử và nhân dân đến chiêm bái và thăm quan các danh thắng khác của tỉnh Ninh Bình để hiểu hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử, về vùng đất và người Ninh Bình; chứng kiến sự đi lên của tỉnh, khẳng định Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, luôn đoàn kết, hòa hợp, lấy việc tu hành phục vụ chúng sinh, phục vụ Tổ quốc, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, vì quốc thái dân an, vì sự phồn vinh của đất nước.

Mùa lễ hội chùa Bái Đính được diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch hằng năm. Đây là năm thứ 3 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính kể từ khi Quần thể Danh thắng Tràng An, nơi có chùa Bái Đính tọa lạc, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã đánh trống, đánh chiêng khai hội; tiếp đó, các đại biểu cùng các chư tôn đức đã dâng hương tại chùa thượng, thả chim phóng sinh cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...

Theo TTXVN/Vietnam+