“Bệ đỡ” cho thực phẩm sạch

Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 03/02/2017

(HNM) - Tết Đinh Dậu này, thị trường TP Hồ Chí Minh “cháy” thực phẩm sạch. Ở góc độ khác, các bà nội trợ cũng dễ đi chợ hơn khi có “công cụ” để lựa chọn thực phẩm sạch và nhà sản xuất “sạch” thêm yên tâm nhờ những “bệ đỡ” từ các đề án quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sự ủng hộ từ người tiêu dùng.


Sự ủng hộ của người tiêu dùng

Người tiêu dùng là một “bệ đỡ” chắc chắn cho thực phẩm sạch phát triển khi sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Chị Nguyệt Anh (quận 3) cho biết, dịp Tết vừa qua chị đã mua đến 30kg khổ qua của một nhà vườn ở miền Tây để dùng và làm quà tặng người thân với giá 40.000 đồng/kg. Theo chị Nguyệt Anh, đây là cơ sở sản xuất hữu cơ mà chị đã sử dụng gần một năm qua dù giá đắt hơn thị trường từ 2 đến 3 lần.



Không chỉ từng người tiêu dùng, thời gian qua các hiệp hội cũng “xắn tay” giúp người kinh doanh sản phẩm sạch. Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (BSA) đã tổ chức phiên chợ Xanh tử tế vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại trụ sở BSA và tại Văn phòng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất rau sạch, trái cây đặc sản, gạo, thủy sản sạch, an toàn… tiếp cận với thị trường. Bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp của BSA cho biết, phiên chợ được tổ chức nhằm để người dân thành phố an tâm hơn về bữa ăn gia đình và cũng là cách tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nông gia, hợp tác xã làng nghề sản xuất những mặt hàng nông sản đặc sản địa phương theo công nghệ xanh, sạch, an toàn tiếp tục con đường làm ra sản phẩm sạch.

“Bệ đỡ“ từ thông tin minh bạch

Những ngày này, tại các siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte có rất nhiều hình ảnh các bà nội trợ một tay cầm bó rau, một tay cắm cúi bấm màn hình điện thoại để… quét mã vạch. Ứng dụng dùng smartphone (điện thoại thông minh) quét mã vạch trên bao bì sản phẩm để truy xuất thông tin sản phẩm rau vừa được TP Hồ Chí Minh đưa vào thực hiện sau khi đã thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt lợn trước đó nhằm bảo đảm kiểm soát nguồn thực phẩm sạch cho người dân thành phố. Các thông tin về nguồn gốc, chất lượng, ngày sản xuất, ngày bón phân phun thuốc của sản phẩm đều có đầy đủ. Có nhiều loại rau có thể truy xuất nguồn gốc như cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau muống, rau ngót… Các bà nội trợ cho biết rất hài lòng về thông tin hiển thị trên smartphone và cảm thấy yên tâm khi mua.

Không chỉ người tiêu dùng yên tâm, mà người sản xuất rất ủng hộ chương trình này. Theo các HTX sản xuất rau an toàn của TP Hồ Chí Minh, trước đây họ cũng nỗ lực sản xuất rau an toàn đạt chuẩn VietGAP để đưa ra thị trường, tuy nhiên việc tiêu thụ rất khó khăn. Nguyên nhân do đầu tư lớn nên giá bán rau VietGAP phải cao hơn thị trường khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, trong khi đó người tiêu dùng không có kênh kiểm chứng nên rau VietGAP không thể cạnh tranh nổi với rau bán ở các chợ. Chính vì thế, nhiều xã viên chưa an tâm, chưa muốn tham gia sản xuất rau an toàn. Còn hiện tại, theo ông Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), nhờ truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng mà chính người nông dân sản xuất ra sản phẩm cũng cảm thấy tự hào và có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn, rau quả là điều hết sức cần thiết. Hiện lượng rau truy xuất mới chỉ thực hiện ở hai HTX là Phú Lộc và Phước An, còn lượng thịt nhiều hơn với khoảng 1.000 trang trại đăng ký tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc của thành phố với sản lượng cung ứng lên đến 10.000 con/ngày và có tới 338 điểm bán với đầy đủ hệ thống phân phối hiện đại, 2 chợ đầu mối và 4 chợ truyền thống. Theo ông Lê Thanh Liêm, trong thời gian tới, sẽ huy động nhiều hơn các cơ sở sản xuất cùng tham gia, và không chỉ dừng lại ở thịt, rau quả, thời gian tới sẽ tiến hành nghiên cứu truy xuất các loại sản phẩm khác và trên diện rộng hơn ở các chợ truyền thống.

THÙY LINH