Phép thử mới của Iran với chính quyền Mỹ

Thế giới - Ngày đăng : 06:08, 03/02/2017

(HNM) - Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan vừa chính thức xác nhận nước này đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo trong ngày 29-1. Tuy nhiên, chính quyền Iran một lần nữa khẳng định hành động này không vi phạm thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã ký kết hồi năm 2015 cũng như các nghị


Theo thông tin từ phía Mỹ, tên lửa Iran vừa thử là loại tầm trung và đã phát nổ sau khi bay được 1.010km kể từ điểm phóng cách Tehran 225km về phía Đông. Iran là quốc gia Trung Đông đang theo đuổi chương trình phát triển tên lửa với quy mô lớn nhất nhưng năng lực công nghệ và độ chính xác chưa cao. Tuy nhiên, Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran Hossein Salami cho biết, tên lửa trong lần thử này đã cho phép tấn công các mục tiêu di động, bao gồm cả tàu chiến, thiết bị không người lái hoặc tên lửa khác.

Binh sĩ Iran vui mừng chứng kiến buổi thử tên lửa diễn ra ngày 29-1.



Thực tế, Iran từng nhiều lần thử các loại tên lửa đạn đạo trong suốt năm 2015. Thế nhưng, đây là đợt thử nghiệm đầu tiên sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Khi còn tranh cử, ông D.Trump đã từng bày tỏ quan điểm rất cứng rắn về vấn đề hạt nhân của Iran, khẳng định sẽ chấm dứt chương trình tên lửa của quốc gia Trung Đông này. Qua góc nhìn của giới chuyên môn, động thái mới dường như là một phép thử đối với chính quyền mới của Mỹ. Có lẽ cũng vì thế mà ngay sau khi vụ phóng xảy ra, Mỹ có phản ứng rất gấp gáp khi yêu cầu Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ mở phiên họp kín trong ngày 31-1.

Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không đưa ra bất kỳ tuyên bố cụ thể nào. Thậm chí, đại diện của Nga, nước có quyền phủ quyết trong HĐBA cho rằng, vụ thử không vi phạm nghị quyết của LHQ. Trong khi đó, Anh cũng không dùng những ngôn từ nặng nề mà chỉ coi đó là hoạt động “không phù hợp”. Trong khi đó, EU khá thận trọng khi cho rằng đó chỉ là hành vi có thể tăng thêm sự mất niềm tin. Song, Mỹ lại bày tỏ rõ sự căng thẳng. Tân Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố, việc thử tên lửa của Iran là hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được, vi phạm thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (bao gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức), đồng thời nêu rõ Washington sẽ có hành động đáp trả thích hợp. Tương tự như vậy, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn cũng cho biết, nước này chính thức đưa Iran vào diện “phải lưu ý thường xuyên”, nhưng không nêu rõ điều này có nghĩa là gì. Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bên cạnh việc lên án lần thử tên lửa mới của Iran, cho biết sẽ đề xuất kéo dài các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ D.Trump cuối tháng 2 tới đây.

Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng lại ở đó khi chỉ ít giờ sau khi lọt vào danh sách "đáng quan tâm" của Mỹ, Cơ quan tình báo Đức (BND) cho biết, Iran tiếp tục thử nghiệm tên lửa Sumar - loại tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 3.000km. Theo cơ quan này, tên lửa hành trình nguy hiểm hơn tên lửa đạn đạo nhờ khả năng xuyên qua các hệ thống phòng thủ dễ dàng do khả năng bay thấp để né radar cũng như các hệ thống phòng thủ chống tên lửa, từ đó tấn công thẳng vào các mục tiêu nằm sâu trong nội địa. Hiện chưa có quốc gia nào phản ứng về thông tin trên, nhưng trong các nghị quyết của LHQ về tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân không đề cập tới việc cấm đoán các hoạt động phát triển tên lửa hành trình, điều được cho sẽ là điểm thuận lợi cho chương trình tên lửa của Iran.

Cho tới nay, Tehran vẫn khẳng định quyền hợp pháp trong các hoạt động thử nghiệm. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran sẽ không bao giờ sử dụng tên lửa đạn đạo cho mục đích tấn công quốc gia khác. Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani cho biết, nước này không phải xin phép một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào đối với việc phát triển năng lực quốc phòng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những lần thử liên tiếp như vậy chắc chắn sẽ dẫn tới sự căng thẳng leo thang trong quan hệ đối ngoại giữa Iran và các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh.

Với những thành quả đối thoại từ hai phía, việc củng cố niềm tin là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi đó là tiền đề tích cực để tiến tới những giải pháp tiếp theo nhằm tạo ra lợi ích chung không chỉ cho Iran hay Mỹ mà cả khu vực Trung Đông.

Hoàng Linh